1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đồng Tháp:

Vùng trồng sen lớn nhất cả nước tìm giải pháp giúp nông dân làm giàu

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Giá sen tăng, giảm theo nhu cầu thị trường. Do đó, nông dân cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để lợi nhuận tăng lên.

Ngày 21/5, tại Đồng Tháp, trong khuôn khổ Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I - năm 2022 đã diễn ra Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, địa phương hiện có diện tích trồng sen lớn nhất cả nước, khoảng 600 ha. Triển vọng phát triển từ ngành hàng Sen Đồng Tháp rất lớn. Nhiều vùng trồng sen đã được mở rộng, nhiều sản phẩm đặc sản, hàng quà tặng nguyên liệu từ sen khá đa dạng. Tỉnh đã có 20 sản phẩm OCOP được làm từ sen.

Vùng trồng sen lớn nhất cả nước tìm giải pháp giúp nông dân làm giàu - 1

Ngày 21/5, Đồng Tháp tổ chức Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen Đồng Tháp (Ảnh: Nguyễn Hành).

Sen là một trong những ngành hàng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp và là nơi được biết đến với những cánh đồng sen bạt ngàn. Trong những năm qua, Đồng Tháp đã xây dựng, khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sen mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây diện tích trồng sen của Đồng Tháp giảm mạnh do dịch sâu bệnh và giá sen không ổn định.

Tại Hội thảo, nông dân Lê Văn Bo - Xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: "Về mặt kỹ thuật trồng sen bà con đã nắm, tuy nhiên vấn đề giá cả làm bà con lo lắng. Có khi nay giá 20.000 đồng/kg, ngày mai lại rớt xuống 15.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng… Tôi cũng mong ngành chức năng có những chính sách hỗ trợ bà con về vốn để đầu tư, phát triển cây sen Đồng Tháp".

Vùng trồng sen lớn nhất cả nước tìm giải pháp giúp nông dân làm giàu - 2

Nông dân Lê Văn Bo phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hành).

Nhiều nông dân khác tại Hội nghị cũng đề nghị, ngành chức năng giới thiệu những giống sen ưu Việt, đi kèm với kỹ thuật canh tác hiệu quả, sản phẩm sạch, đáp ứng theo yêu cầu các doanh nghiệp đặt ra.

Riêng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ sen than thở câu chuyện thiếu hụt nguyên liệu theo mùa vụ. Nhất là thời gian gần Tết và sau Tết nguyên đán, không có sen nguyên liệu để mua, vì thế, thời gian này, doanh nghiệp vừa mất khách hàng, vừa gồng gánh thêm các khoản chi phí khi nhà máy nằm không.

Trước các kiến nghị của nông dân trồng sen và các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các vấn đề tồn tại sẽ được tháo gỡ khi Đề án "Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng tới năm 2030" được triển khai.

Vùng trồng sen lớn nhất cả nước tìm giải pháp giúp nông dân làm giàu - 3

Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa - họa sĩ họa chân dung bằng lá sen, chia sẻ những trăn trở của ông về giá trị vô hình của cây sen (Ảnh: Nguyễn Hành).

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Đây là ngành hàng chủ lực được ưu tiên đầu tư, phát triển vùng quy hoạch để có thể canh tác, ổn định sản lượng cũng như chất lượng theo hướng hữu cơ, an toàn.

Ưu tiên nghiên cứu để có sản phẩm tinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, chúng ta có vùng trồng, có kỹ thuật canh tác tốt, chúng ta có khâu sơ chế, tôn tạo thành những sản phẩm có giá trị để chúng ta phát triển ngành này theo hướng sạch, tinh tế và làm tăng chuỗi giá trị, đây là hướng mà tỉnh đang ưu tiên phát triển.

Vùng trồng sen lớn nhất cả nước tìm giải pháp giúp nông dân làm giàu - 4

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Hành).

Hội thảo cũng đã ra mắt Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp, với mục đích hỗ trợ hoạt động trồng trọt, sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại; xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước để giúp nông dân làm giàu chính đáng, xây dựng thương hiệu sen Đồng Tháp phát triển bền vững.