Ngư dân chạy đua, đá bóng bằng cà kheo tại Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ
(Dân trí) - Tại Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ 2023, người dân được chiêm ngưỡng màn chạy đua, đá bóng trên đôi cà kheo vô cùng độc đáo của những ngư dân vùng biển.
Sáng 30/9, người dân và du khách đã được chiêm ngưỡng những trận bóng, chạy đua của ngư dân vùng biển Cần Giờ trên đôi cà kheo, một vật dụng quen thuộc với người dân vùng biển.
Từ xa xưa, đôi cà kheo là một vật dụng khá quen thuộc đối với ngư dân vùng biển trong việc đánh bắt hải sản. Đến nay, các ngư dân Cần Giờ đã tạo nên một môn thể thao vô cùng độc đáo, bộ môn đá bóng trên chiếc cà kheo.
Trận bóng được tổ chức trên một sân đấu đặc biệt là bờ biển, thi đấu trên khoảng sân rộng chừng 300m2.
Đôi cà kheo dài gần 1m được gắn chặt vào chân của các "cầu thủ" khiến việc đi lại và tranh chấp bóng thêm phần khó khăn hơn.
Ông Dương Văn Lượm bắt đầu làm quen với đôi cà kheo từ năm 20 tuổi, ông cùng các ngư dân dùng đôi cà kheo để ra biển bắt tôm cá những ngày nước lớn. "Đá bóng bằng chân đất trên bãi biển đã rất khó khăn, đằng này đi trên đôi cà kheo lại càng khó hơn", ông Dương Văn Lượm (63 tuổi) chia sẻ.
Trận đấu được điều hành bởi 1 trọng tài chính và 2 trọng tài phụ. Mỗi đội có 5 người, thi đấu trong hai hiệp, mỗi hiệp kéo dài 10 phút.
Ngay khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu, hai đội lập tức có những pha tranh chấp bóng quyết liệt.
Hai đội liên tục có những pha tranh đấu gay gắt, kịch tính.
Từ một dụng cụ hỗ trợ đánh bắt hải sản từ xa xưa khá quen thuộc là đôi cà kheo, các ngư dân ở Cần Giờ đã tạo nên một môn thể thao độc đáo.
Khác với những trận bóng đá trên sân cỏ, cầu thủ của trận đấu này không mang giày, mà mang đôi cà kheo với chiều dài 80cm, gắn chặt vào đôi chân. Vì vậy việc di chuyển và tranh chấp bóng cũng khó khăn hơn.
Một VĐV bị ngã, hai trọng tài của trận đấu cũng đến để dìu người này đứng dậy để tiếp tục thi đấu.
Kết thúc trận đấu, phần thắng đã thuộc về đội bóng áo đỏ với tỉ số 5-1.
Lễ hội Nghinh Ông là nét văn hóa không thể thiếu của ngư dân vùng biển, gắn liền với tục thờ cá Ông của người xưa đi biển. Đây được xem như một tín ngưỡng dân gian truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.