Hồi sinh tư liệu Hán Nôm có tuổi đời hơn 100 năm ở Cố đô Huế
(Dân trí) - Tư liệu Hán Nôm ở Huế đang đứng trước mối nguy thất thoát bởi hư hỏng do thời tiết, bảo quản sơ sài đã và đang được các chuyên gia hồi sinh bằng cách xử lý, số hóa để bảo tồn, lưu giữ.
Nhiều năm qua, công việc chạy đua với thời gian để hồi sinh tư liệu Hán Nôm được nhóm các chuyên gia là cán bộ Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một cách lặng lẽ.
Đến thời điểm này, hơn 500.000 trang tư liệu Hán Nôm đã được sưu tầm và số hóa. Công việc này được thực hiện tại hơn 200 làng, gần 1.000 họ tộc, phủ đệ ở Huế. Các tư liệu bao gồm sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, sách văn học, lịch sử, sách thuốc, hương ước, văn tế…
Trải qua nhiều quy trình, những tư liệu này được phân loại, xử lý hỏng hóc, sao chụp và lưu trữ cẩn thận, đồng thời tặng lại cho các nơi mà đoàn tìm đến để số hóa. Nhiều tư liệu quan trọng được chọn để triển lãm, in sách giới thiệu đến công chúng.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, tư liệu Hán Nôm được xem như di sản, là thông điệp kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Việc gìn giữ di sản này có vai trò quan trọng, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc.
Nhóm các chuyên gia đang tiến hành xử lý các trang tư liệu Hán Nôm có tuổi đời trên cả trăm năm ở một ngôi làng nằm bên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Huế được biết đến với hệ thống di sản Hán Nôm cung đình đồ sộ. Ngoài ra, vùng đất này còn có rất nhiều tư liệu Hán Nôm khác ở hàng trăm làng xã, họ tộc, tư gia.
Các tư liệu Hán Nôm có dấu hiệu hư hỏng được các chuyên gia xử lý theo quy trình khoa học, bài bản. Công việc này không chỉ tốn kém thời gian mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ và niềm đam mê của người thực hiện.
Trước khi bắt đầu xử lý, số hóa tư liệu Hán Nôm, các làng xã thường tổ chức một nghi lễ truyền thống để báo cáo tiền nhân như lễ tế, rước và khai mở hòm lưu giữ.
Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm và số hóa các tư liệu Hán Nôm thời gian qua đã giúp nhiều người hiểu sâu hơn về vùng đất Thừa Thiên Huế và đóng góp vào nghiên cứu Việt Nam trong thời kỳ trung đại.
Các tư liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, đầy đủ và đa dạng các loại hình tư liệu Hán Nôm ở Huế. Chúng được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán…
Một nhóm bạn trẻ tham quan những tư liệu Hán Nôm được trưng bày tại một triển lãm ở Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế.
Những tư liệu Hán Nôm sau khi được hồi sinh đã phát huy được giá trị, giúp hậu thế hiểu thêm cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc.
Ngày nay, nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá vẫn được lưu giữ tại nhiều phủ đệ, tư gia ở Huế. Vì thế, việc chạy đua với thời gian để số hóa, bảo tồn các tư liệu này vẫn luôn là trăn trở và quyết tâm của các chuyên gia.