DMagazine

Nghệ thuật truyền thống "kể" theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam

(Dân trí) - Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, duy trì giá trị đạo đức, là động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, duy trì giá trị đạo đức, là động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Lời tòa soạn: Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài "Những "đại sứ" lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới" kể về những cá nhân người Việt ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đang cùng chung tay bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi cá nhân như những "đại sứ" văn hóa suốt nhiều năm đã góp phần gìn giữ, đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng và bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Nỗ lực lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới

Có mặt tại "Không gian văn hóa Việt Nam", sự kiện nằm trong chuỗi chương trình "Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023" do Bộ Ngoại giao chủ trì nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi, tiến sỹ Kobus Groenewald, một giáo viên âm nhạc người Nam Phi không khỏi ngỡ ngàng trước tác phẩm của những nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Vị tiến sĩ đặc biệt hào hứng với nghệ thuật làm tò he. Ông chăm chú theo dõi nghệ nhân Đặng Đình Thường tạo hình và giới thiệu mẫu tò he lấy cảm hứng từ những biểu tượng của "quốc gia cầu vồng" như hươu cao cổ, thổ dân, hoa protea (quốc hoa của Nam Phi), hoa phượng tím…

Ông vô cùng bất ngờ khi biết rằng, từ nguyên liệu đơn giản là bột nếp, phẩm màu, nghệ nhân Việt Nam có thể sáng tạo làm ra vô số món đồ chơi có hình con vật, trái cây, con người …

Dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ của nghệ nhân, tiến sĩ người Nam Phi vẫn hoàn thành được tò he hình mâm bánh chưng xanh. Qua đó, ông biết đến hai món ăn truyền thống của người Việt là bánh chưng, bánh dày. Trong đó, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dày trắng hình tròn tượng trưng cho trời.

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 1
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 2

Công chúng Nam Phi, Pháp tìm hiểu về nghệ thuật nặn tò he của Việt Nam trong sự kiện của Ngày Việt Nam tại nước ngoài năm 2023 (Ảnh: BTC)

Trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới, bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân là sự đồng hành của nhiều cơ quan, bộ, ngành...

Trong đó có thể kể đến sự kiện "Ngày Việt Nam ở nước ngoài" hay các hoạt động giao lưu, sự kiện văn hóa do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, các cuộc thi như "Quảng bá tác phẩm nghệ thuật theo phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023"…

"Ngày Việt Nam ở nước ngoài" là chương trình quảng bá quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2010.

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cho biết, "Ngày Việt Nam ở nước ngoài" là hoạt động ngoại giao quan trọng, thể hiện truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, bản sắc ngoại giao từ trái tim đến trái tim của Việt Nam.

Qua 13 năm triển khai, "Ngày Việt Nam ở nước ngoài" đã có mặt ở 18 quốc gia với nhiều hoạt động trên cả ba lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế.

Ở mỗi quốc gia, các hoạt động quảng bá đều có sự điều chỉnh để phù hợp với từng địa bàn nhằm hướng tới mục tiêu truyền tải hình ảnh đất nước con người Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, năng động, phát triển tới công chúng.

Năm 2023, "Ngày Việt Nam ở nước ngoài" lấy chủ đề "Cội nguồn, Sức sống và Sự tiếp nối" đến với ba châu lục là châu Âu (Pháp), châu Á (Nhật Bản) và lần đầu tiên đến châu Phi (Nam Phi).

Công chúng quốc tế đã chiêm ngưỡng các tác phẩm điển hình của dòng tranh Đông Hồ. Họ còn được nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm (Bắc Ninh) hướng dẫn trải nghiệm các công đoạn in tranh từ bản khắc gỗ lên giấy theo phương pháp truyền thống.

Họ cũng có cơ hội tìm hiểu về các tranh sơn mài, làm đồ lưu niệm từ các chất liệu sơn mài Việt Nam.

Giữa thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp, nhiều người đã cùng nhau thưởng thức phở Thìn Bờ Hồ, món ăn "trứ danh" của Việt Nam, từng được lựa chọn để phục vụ cho 3.000 phóng viên quốc tế và Việt Nam trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra năm 2019.

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 3
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 4
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 5
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 6

Ẩm thực, hội họa, thời trang... Việt Nam được lan tỏa khắp muôn nơi (Ảnh: BTC)

Công chúng các nước và người Việt tại nước ngoài cũng có cơ hội ngắm nhìn bộ sưu tập cổ phục với áo long bào, đại triều phục của nhà vua hay áo Nhật Bình đỏ thêu họa tiết song phượng của hoàng hậu thời Nguyễn. Tất cả điều đó là minh chứng cho nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa Việt ở tầm quốc tế.

Nhờ sự tham gia tích cực của những nghệ sĩ, nghệ nhân, người trẻ đam mê kế thừa tinh hoa văn hóa và sự đồng hành của đơn vị tổ chức mà qua sự kiện "Ngày Việt Nam ở nước ngoài" mỗi năm, công chúng trong và ngoài nước đã hiểu hơn về đất nước, con người cùng những giá trị văn hóa truyền thống vô giá của Việt Nam.

Sự kết hợp giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa dân gian họ theo đuổi cùng các sự kiện được tổ chức bởi các bộ, ngành là một trong những cách làm hiệu quả, giúp bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đồng hành cùng chuỗi sự kiện "Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023", nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Tâm chia sẻ: "Nhiều nghệ nhân và người thực hành văn hóa trẻ đã có cơ hội ra nước ngoài tổ chức hoạt động có tính tương tác trải nghiệm, giúp người nước ngoài và kiều bào trải nghiệm văn hóa Việt Nam tại nơi mà họ sinh sống.

Những nghệ nhân như chúng tôi cảm thấy rất trân trọng sự đồng hành, hỗ trợ quý báu từ phía Nhà nước để tinh hoa văn hóa mà cha ông chúng tôi để lại có cơ hội được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong đời sống hiện nay".

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 7
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 8

Nhiều loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hình là màn trình diễn "Xòe Thái- Tinh hoa miền di sản" (Ảnh: BTC).

Ngoại giao văn hóa qua nghệ thuật

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực trong công tác quảng bá hình ảnh văn hóa, con người và đất nước.

Đó một mặt là xu thế chung của các nước trên thế giới trong quá trình toàn cầu hóa khi quốc gia nào cũng mong muốn định vị hình ảnh, giá trị của mình để không bị hòa tan trong dòng chảy chung; một mặt là cách chúng ta khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời tôn vinh, nâng tầm văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 9

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cá nhân, bộ, ngành trong công cuộc bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian (Ảnh: Quốc Chính).

Việc sử dụng khéo léo, sáng tạo những giá trị văn hóa Việt Nam trong cách thức truyền tải hình ảnh đất nước, con người Việt Nam chính là cách tạo nên "sức mạnh mềm". Ở đó, những thông điệp tích cực được lồng ghép tinh tế trong các sản phẩm nghệ thuật, giúp các sản phẩm này trở nên gần gũi, dễ hiểu và hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ và công chúng quốc tế.

 "Tôi đặc biệt đánh giá cao khi điều đó lại đến từ chính những bạn trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Từ yêu đến mong muốn tìm hiểu, từ hiểu đến yêu hơn văn hóa, nghệ thuật đất nước.

Những sản phẩm nghệ thuật giàu truyền thống nhưng được kể bởi cách thức sáng tạo, hiện đại sẽ giúp cho nền văn hóa nước nhà có thêm cơ hội mới trong một thế giới hội nhập, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, cũng như tạo thêm sự tự tin và tự hào cho các nghệ sĩ Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, trong việc quảng bá những giá trị đặc sắc của dân tộc.

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 10
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 11

Trình diễn nghệ thuật ánh sáng và âm nhạc dân gian đương đại với chủ đề "Cuộc đối thoại giữa ánh sáng và không gian kiến trúc" (Ảnh: Mạnh Quân).

Điều này còn tạo điều kiện để phát triển du lịch, mở ra cơ hội kết nối tài năng nghệ thuật, thương mại...  hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước", Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn văn hóa truyền thống có vai trò vô cùng quan trọng vì văn hóa truyền thống là nền tảng tạo nên bản sắc dân tộc, giúp mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có được sự khác biệt và độc đáo.

Văn hóa truyền thống cũng là cầu nối giữa các thế hệ, giúp truyền tải những giá trị, kinh nghiệm và tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp củng cố tinh thần yêu nước và đoàn kết trong cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, giúp duy trì giá trị đạo đức, lối sống và phong cách sống tích cực.

Ngoài ra, trong xã hội hiện đại, văn hóa truyền thống là yếu tố hấp dẫn du lịch, giúp phát triển ngành công nghiệp du lịch và tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Các sản phẩm văn hóa truyền thống cũng có thể trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi cộng đồng và đất nước.

Chính vì thế, tâm huyết, tình yêu và sự cống hiến của những nghệ nhân, nghệ sĩ, đặc biệt là những người trẻ sẽ giúp truyền thống văn hóa có thêm ý nghĩa và tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 12
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 13

Nhiều người trẻ dành sự quan tâm lớn cho văn hóa và nghệ thuật truyền thống (Ảnh Hồng Anh, Nhân vật cung cấp).

Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống ngày một hiệu quả, cần chú ý đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đưa nội dung văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục và sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại quảng bá để giúp người trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Thứ hai là tạo ra các sản phẩm và hoạt động văn hóa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ví dụ như: Tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống được cách tân, thiết kế các sản phẩm thời trang, nghệ thuật dựa trên các yếu tố truyền thống nhưng phù hợp với gu thẩm mỹ hiện đại.

Thứ ba là tạo ra các sân chơi, câu lạc bộ hoặc các dự án cộng đồng để người trẻ có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo tồn văn hóa. Việc này không chỉ giúp họ hiểu mà còn trải nghiệm và yêu thích văn hóa truyền thống.

Thứ tư là hỗ trợ các dự án khởi nghiệp liên quan đến văn hóa truyền thống, như sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tổ chức tour du lịch văn hóa, sáng tạo nội dung số liên quan đến văn hóa dân tộc.

Thứ năm là tổ chức các cuộc thi, giải thưởng để tôn vinh những cá nhân và tập thể có đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, tạo động lực cho người trẻ tiếp tục nỗ lực và cống hiến.

"Nhìn chung, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của riêng một ai mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia tích cực của giới trẻ", ông Bùi Hoài Sơn cho hay. 

Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 14
Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam - 15

Người dân mặc áo dài, đạp xe diễu hành qua các di sản Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Mạnh Quân).

"Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc"

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa bởi "văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn".

Trong bài phát biểu, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần "quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới".

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh, Hà Trang