DMagazine

Nhà thiết kế mang trang phục "vua", "hoàng hậu" của Việt Nam ra thế giới

(Dân trí) - Khoảnh khắc bộ Long bào đại triều phục, một cổ phục của người Việt Nam được trình diễn ở Nam Phi, Nguyễn Thị Nga thấy niềm tự hào dân tộc rạo rực trong tim mình.

Lời tòa soạn: Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài "Những "đại sứ" lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới" kể về những cá nhân người Việt ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đang cùng chung tay bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi cá nhân như những "đại sứ" văn hóa suốt nhiều năm đã góp phần gìn giữ, đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng và bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Những ngày cuối tuần, khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) tấp nập người ra vào trong những bộ cổ phục Việt đầy màu sắc. 

Nhiều du khách quốc tế ngạc nhiên, thích thú khi biết trang phục truyền thống của Việt Nam không chỉ có áo dài. Họ được hướng dẫn viên dẫn vào các gian hàng cổ phục Việt, tìm hiểu và mặc thử những chiếc áo Nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn, áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm thời Lý - Trần - Lê… Thậm chí, du khách còn được hóa thân thành vua, hoàng hậu, công chúa của nước Việt xưa.

Dale, một du khách người Mỹ đã ở Việt Nam 5 năm, thắc mắc: "Vì sao đến bây giờ, tôi mới được biết tới những trang phục này?".

Hành trình làm sống dậy cổ phục Việt

Nguyễn Thị Nga (hay còn gọi là Coco, 35 tuổi) xuất thân là một sinh viên ngành thời trang. Năm 2008, Nga tham gia một buổi học ngoại khóa, giáo viên là một nhà thiết kế thời trang người Pháp.

Tại đây, nhà thiết kế này đã hỏi nhóm sinh viên Việt Nam: "Trang phục truyền thống của người Việt là gì?", phần lớn đều trả lời là "áo dài". Cô giáo người Pháp mỉm cười và cho biết câu trả lời ấy là chưa đủ. 

"Việt phục, hay cổ phục Việt Nam là cách gọi những món phục sức làm nên phong cách ăn mặc của người Việt. Có thể chia thành hai nhánh chính là: Hoàng phục (trang phục của hoàng tộc) và y phục dân gian.

Trong đó, một số trang phục tiêu biểu như: Nhật Bình; áo Tấc; áo Đối Khâm; áo Giao Lĩnh; áo Ngũ Thân; áo Tứ Thân...", cô giáo người Pháp lý giải.

Nguyễn Thị Nga bất ngờ với câu trả lời của cô giáo, phần vì được mở mang kiến thức, phần còn lại, Nga thắc mắc: "Tại sao một người nước ngoài họ lại hiểu về trang phục truyền thống của người Việt hơn nhiều người Việt?".

Chính câu hỏi này đã thôi thúc Nga bắt đầu sự tò mò với cổ phục Việt. Cô bắt đầu tìm kiếm khắp các thư viện để tìm tài liệu, gặp gỡ tiền bối, trải nghiệm các loại hình văn hóa khác nhau trên khắp đất nước... với mong muốn có thể làm "sống lại" các trang phục xưa.

Nhưng mất vài năm, Nguyễn Thị Nga vẫn loay hoay trong số dữ liệu ít ỏi về lịch sử, chất liệu đến cách phục dựng Việt phục. Không có người dẫn đường, không ai ủng hộ, cô nản lòng.

Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 1
Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 2

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga trong hai trang phục Nhật bình đỏ (bên trái) và áo Ngũ thân lập lĩnh tay chẽn thời Nguyễn (bên phải).

Nga ra trường, đi làm trợ lý tại một công ty thời trang, lúc này, cô gần như không còn nhiều ý niệm về việc mình phải phục dựng trang phục truyền thống. Nhưng thời điểm đó, Nga bảo: "Ông trời lại cho tôi gặp gặp Diego".

Diego là người Tây Ban Nha, chủ thương hiệu thời trang nổi tiếng, nơi Nguyễn Thị Nga làm việc. Là người nước ngoài nhưng ông có tình yêu rất lớn với Việt Nam, với Hà Nội.

Ông mang những chi tiết về truyền thống của người Việt vào các thiết kế của mình. Theo lời kể của Nga, người đàn ông này góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới qua những thiết kế thấm đẫm bản sắc, tinh thần, hồn cốt Việt.

"Gặp Diego, nhìn thấy tình yêu Việt Nam quá lớn từ ông, lại một lần nữa tôi tự hỏi mình câu hỏi năm xưa khi gặp nhà thiết kế người Pháp: Đến người nước ngoài họ còn yêu văn hóa Việt đến vậy, mình là người Việt tại sao lại không làm được?", Nguyễn Thị Nga nhớ lại.

Người đàn ông người Tây Ban Nha đã khuyên cô nên mạnh dạn thực hiện mong ước và kế hoạch mà mình từng ấp ủ, bởi người ngoại quốc dù có đam mê đến mấy, dày công nghiên cứu văn hóa Việt Nam đến mấy, vẫn có độ "vênh" nhất định, chỉ những người con đất Việt mới là những người hiểu nguồn cội văn hóa Việt sâu sắc nhất.

Không chỉ khuyên nhủ và định hướng, Diego còn kiên quyết "buộc" Nga nghỉ việc để tự đi con đường của mình trong việc làm "sống lại" cổ phục Việt.

Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 3

Gia đình du khách nước ngoài trong trang phục cổ của người Việt Nam.

Năm 2021, cô gái trẻ trở lại với niềm đam mê cổ phục Việt. Vẫn một mình một lối, vẫn không người đồng hành, nhưng lần này, cô quyết đi tới cùng. Cô thành lập Vạn Thiên Y, một công ty thời trang chuyên khôi phục cổ phục Việt.

Đào sâu tìm hiểu, Nga nhận ra toàn bộ vải may cổ phục trong nước đều là sản phẩm công nghiệp, nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng giá thành cao lại mang họa tiết hoa văn của nước bạn.

Nga ưu tiên sử dụng có chất liệu của người Việt như lụa Nha Xá, Vạn Phúc, Mã Châu… Đặc biệt một số loại vải lụa cô đặt dệt riêng mang họa tiết hoa văn cổ, được đội ngũ tìm tòi nghiên cứu và phục dựng lại.

Có những triều đại rất hiếm tư liệu được lưu giữ, Nga và cộng sự phải dày công nghiên cứu tài liệu liên quan như tượng, tranh… để tìm hiểu niên đại, xác định kiểu dáng của cổ phục. 

Chẳng hạn, thời Nguyễn có nhiều dạng áo như áo Lập lĩnh, áo Lập lĩnh lại có những dạng khác nhau như tay chẽn tay tấc, rồi các loại áo khác và những tên gọi khác nhau như viên lĩnh, giao lĩnh đối khâm… và về phần họa tiết mỗi triều đại có đặc trưng riêng và có quy cách riêng.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Vạn Thiên Y, cho biết, đối với cổ phục, yếu tố lịch sử luôn phải đặt lên đầu.

Bởi vậy, các thành viên trong nhóm đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và trực tiếp trải nghiệm. Với mong muốn tạo ra những bộ cổ phục đầy tâm huyết và có tính chính xác cao về niên đại lịch sử. Quá trình nghiên cứu phải có thực chứng, các sản phẩm phải bám tư liệu gốc sát nhất có thể.

Để tạo ra một bộ quần áo cổ phục hoàn chỉnh, cần trải qua năm công đoạn, gồm dệt vải, nhuộm màu, phơi khô, tạo kiểu và cắt may.

Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 4
Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 5
Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 6

Các chi tiết trong thiết kế trang phục cho hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu. Trang phục giá hầu quan lớn Điều Thất, Đào tiên Đệ nhất - Điều Thất Hoàng thái tử Vương quan thượng đẳng tối linh thần.

Vải nhuộm phải là vải tơ tằm, đa phần là tơ sống hoặc dệt tay có độ cứng, nhằm tôn dáng người mặc và tạo sự tôn nghiêm cho bộ quần áo. Toàn bộ vải đều nhập từ làng dệt Nam Cao, Thái Bình, bởi kỹ thuật dệt vải khó, yêu cầu nhiều máy móc, công đoạn, không thể tự làm.

"Trong quá trình làm áo mẫu, chúng tôi phải sửa nhiều lần bởi các tài liệu nghiên cứu như tranh ảnh, điêu khắc thường mang tính ước lệ. Chỉ khi tìm được dáng áo chuẩn, phù hợp với cơ thể người, mới có công thức cắt, may gửi thợ", Nga nói.

Cổ phục Việt theo chân người Việt "xuất ngoại"

Năm 2023, trong khuôn khổ triển lãm "Hành trình vàng son" tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản, Ban tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài đã trưng bày các trang phục thời Nguyễn được thiết kế bởi Vạn Thiên Y của Nguyễn Thị Nga, giúp công chúng đến gần hơn với khái niệm "trang phục truyền thống".

Triển lãm mang đến những bộ trang phục đặc sắc nhất, thể hiện nét tinh hoa của mỹ thuật cổ và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đó là Long bào đại triều phục, được nhà vua mặc trong các buổi thiết triều; áo Nhật bình đỏ thêu họa tiết song phượng được quy định là trang phục dành cho hậu phi và các công chúa; áo Lập lĩnh ngũ thân tay chẽn là loại trang phục phổ biến nhất vào thời Nguyễn vì cả giới quý tộc lẫn thường dân đều có thể mặc.

Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm cổ phục Việt và tìm hiểu về Văn hóa Việt qua trang phục, đồng thời chụp ảnh lấy ngay khiến các vị khách nước ngoài được trải nghiệm cảm thấy vô cùng vui thích và xúc động.

Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 7
Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 8

Khách Tây thích thú mặc trang phục truyền thống của người Việt trong triển lãm "Hành trình vàng son" tổ chức tại Nam Phi, tháng 11/2023.

Với nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Nga, vào khoảnh khắc chị nhìn thấy những vị khách quốc tế da màu mặc lên mình trang phục truyền thống của người Việt, niềm tự hào dân tộc rạo rực trong tim mình.

Theo Nga, đây là cơ hội để những người trẻ như chị được giới thiệu, lan tỏa những giá trị của mỹ thuật Việt trong những bộ trang phục có tính ứng dụng cao. Thông qua hoạt động này, những nhà thiết kế trẻ của Vạn Thiên Y mong muốn được tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống với một góc nhìn hiện đại.

"Tiêu chí chọn trang phục của chúng tôi, đầu tiên là phải giữ được quy chuẩn liên quan đến văn hóa, lịch sử nhưng bên cạnh đó cũng phải là những hình ảnh dễ nhận biết để mọi người khi nhìn thấy có thể nhận ra những trang phục ấy đến từ Việt Nam, của Việt Nam. Và tất nhiên nó phải đẹp, bắt mắt nữa", nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Đáng lưu ý, tham gia trình diễn giới thiệu trang phục áo Nhật bình đỏ thêu song phượng trong chương trình nghệ thuật "Hương sắc Việt Nam" tại "xứ sở hoa anh đào" trong những ngày đầu tháng 12/2023, nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga đã trực tiếp đóng vai công nữ Ngọc Hoa, kể câu chuyện về nàng công chúa được chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro vào thế kỷ XVII.

Nhà thiết kế mang trang phục vua, hoàng hậu của Việt Nam ra thế giới - 9

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga (đứng giữa) đóng vai công nữ Ngọc Hoa trong chương trình nghệ thuật "Hương sắc Việt Nam", tổ chức tại Nhật Bản.

Trên nền nhạc "Lý mười thương" da diết, hình ảnh nàng công chúa "lá ngọc cành vàng" xa quê hương với bao luyến thương, ngậm ngùi nhưng cũng từ đây, bà trở thành một "đại sứ văn hóa" khi mang áo dài Việt Nam đến Nhật Bản từ thế kỷ XVII.

"Các dữ kiện về cổ phục Việt đã gieo cấy vào tôi đủ lâu, và đủ sâu, để đến giờ tôi chắc chắn rằng, bất cứ khoảnh khắc cài cúc áo hay duyệt lại trang phục trước khi lên sân khấu, dù trong nước hay quốc tế, trong bản thân tôi, đều thấm một niềm tự hào về văn hóa của người Việt", nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga xúc động nói.

Nga cho rằng, hành trình của cô và cộng sự chưa đi được quá dài, nhưng cô, đã và luôn đi bằng tất cả niềm tự tôn dân tộc của mình.

Việt phục, hay cổ phục Việt Nam là cách gọi những món phục sức làm nên phong cách ăn mặc của người Việt Nam.

Do sự tiếp xúc, tiếp biến về văn hóa, Việt phục không chỉ gồm có những bộ trang phục truyền thống, được lưu trữ và bảo tồn từ thời nguyên thủy, mà còn có những bộ trang phục có nguồn gốc từ nước ngoài, rõ rệt nhất là Trung Hoa và phương Tây.

Mỗi giai đoạn khác nhau, cách ăn mặc của con người thời kỳ ấy có những thay đổi rõ rệt, làm nên sự khác biệt của Việt phục qua các thời kỳ.

Những năm gần đây, cổ phục Việt "hồi sinh" trở lại thị trường trở một trào lưu mới của giới trẻ trong nước. Đồng thời, những trang phục này còn được quảng bá rộng rãi tại các sự kiện ngoại giao quốc tế. 

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bài 5: Nghệ thuật truyền thống kể theo cách mới giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam.

Nội dung: Thanh Thúy