PhotoStory

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Cây thị ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có tuổi đời trên 700 năm, gắn liền truyền thuyết là nơi trốn giặc cứu vua Lê Lợi thế kỷ XV. Trải qua nhiều biến cố, cây vẫn đứng sừng sững, tràn đầy sức sống.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 1

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam mới đây ra quyết định và công bố cây thị ở thôn Kim Sơn (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là Cây Di sản Việt Nam.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 2

Cây thị nằm trên một khu đất riêng, tiếp giáp khuôn viên của 3 hộ dân. Theo chính quyền và các cụ cao niên tại địa phương, cây thị có tuổi đời khoảng hơn 700 năm, chiều cao hơn 20m.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 3

Cây có đường kính khoảng 12m, gốc sần sùi, rêu và nhiều loại cây leo bám xung quanh thân.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 4

 Cây có hốc rỗng khoét sâu vào thân, cành lá xum xuê, tỏa bóng mát. Vào mùa kết trái, cây luôn sai quả.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 5

Phần thân ở dưới gốc cây rỗng, 4 - 5 người có thể đứng vừa bên trong.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 6

Dưới gốc cây, người dân địa phương lập đền thờ, đặt tên "Gốc thị sử tích" hoặc thường gọi tên là "Cây thị ăn thề". Bia đá nêu rõ cây thị cổ thụ là chứng tích của một lời tuyên thề giữa Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện về việc quyết tâm đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 7

Tương truyền năm 1424, trong một lần bị giặc Minh truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và ẩn nấp vào trong hốc của gốc thị. Khi giặc đuổi đến gần cũng là lúc trời nhá nhem tối, khó tìm ra vết tích. Chúng bèn ra lệnh thả bầy chó săn bao vây xung quanh cây thị.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 8

Trong lúc tính mạng của Lê Lợi đang lâm nguy, bỗng xuất hiện con cáo to đốm trắng nhảy từ trên cây xuống rồi bỏ chạy thục mạng. Thấy thế, đàn chó săn cùng đội binh lính nhà Minh thi nhau đuổi theo, nhờ vậy mà vua Lê Lợi thoát được kiếp nạn. Năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn là Nguyễn Tuấn Thiện dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 9

Dưới gốc cây thị này, Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc. Khởi nghĩa thành công, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: 

Cắt tóc, giết ngựa trắng

Dưới gốc thị thề nguyền

Nguyện đồng tâm đồng chí

Phá giặc xây cơ đồ.

Cận cảnh cây thị 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam - 10

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, cây thị vẫn đầy sức sống, tỏa bóng xanh mát. Bà Trần Thị Nhuận (85 tuổi, nhà cạnh cây thị) cho biết, người dân trong vùng vẫn thường thay nhau quét dọn, bảo quản đền thờ và cây thị.

"Đến dịp lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy, thị trĩu quả, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Nhiều người dân hay đến đây vào ngày rằm, ngày cuối tháng hoặc dịp lễ, Tết để thắp hương, cầu xin điều may mắn", bà Nhuận nói.

Theo ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, việc công nhận cây thị là Cây Di sản Việt Nam không chỉ trực tiếp bảo vệ nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học, sự phong phú của hệ thực vật mà còn giúp quảng bá lịch sử, văn hóa của địa phương. Thời gian tới, chính quyền sẽ có phương án chăm sóc và bảo vệ cây tốt hơn.