1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cây thị "cứu vua Lê Lợi" được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Dương Nguyên

(Dân trí) - Cây thị ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có tuổi đời trên 700 năm. Phần thân ở dưới gốc cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người, gắn với câu chuyện lịch sử từ thời chống giặc Minh.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa ra quyết định công nhận cây thị ở thôn Kim Sơn (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là Cây Di sản Việt Nam.

Theo các cụ cao niên tại địa phương, cây thị có tuổi đời hơn 700 năm, nằm trên một khu đất riêng, tiếp giáp vườn của 3 hộ dân.

Cây thị cứu vua Lê Lợi được công nhận Cây Di sản Việt Nam - 1

Cây thị hơn 700 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (Ảnh: H.L).

Cây có chiều cao hơn 20m, đường kính khoảng 12m, cành lá xum xuê. Gốc cây sần sùi, rêu xanh bám quanh.

Phần thân ở dưới gốc cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người.

Theo lời truyền miệng, cây thị gắn liền với lịch sử chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.

Tương truyền, năm 1424, trong một lần bị giặc Minh truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tại đây, nhà vua được thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện chỉ dẫn chui vào ẩn nấp trong hốc cây thị này.

Khi giặc đuổi đến gần cũng là lúc trời nhá nhem tối, khó tìm ra vết tích. Chúng bèn ra lệnh thả bầy chó săn bao vây xung quanh cây thị.

Trong lúc tính mạng của Lê Lợi đang lâm nguy, bỗng xuất hiện con cáo to đốm trắng nhảy từ trên cây xuống rồi bỏ chạy thục mạng. Thấy thế, đàn chó săn cùng đội binh lính nhà Minh thi nhau đuổi theo, nhờ vậy mà vua Lê Lợi thoát được kiếp nạn.

Cây thị cứu vua Lê Lợi được công nhận Cây Di sản Việt Nam - 2

Phần gốc cây có khoang rỗng có thể chứa được 4-5 người (Ảnh: H.L.).

Cũng tại gốc cây thị này, Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc.

Khởi nghĩa thành công, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần.

Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: "Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/ Phá giặc xây cơ đồ".

Theo ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, từ trước đến nay, cây thị cổ thụ vẫn luôn được người dân trong xã bảo vệ, gìn giữ. Sau khi cây thị được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, chính quyền sẽ có phương án chăm sóc và bảo vệ cây tốt hơn.