Tổng quan bệnh Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là gì ?
Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra ở bàng quang- cơ quan rỗng nằm tại vùng bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu do thận thải ra.
Phía trong thành bàng quang là lớp niêm mạc được cấu tạo từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Khoảng hơn 90% ung thư bàng quang xuất phát từ tế bào chuyển tiếp, gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Chỉ khoảng 8% ung thư bàng quang là ung thư biểu mô vảy.
Nguyên nhân bệnh Ung thư bàng quang
Nguyên nhân ung thư bàng quang đến nay vẫn chưa hoàn toàn rõ rệt, có những trường hợp ung thư bàng quang không tìm ra nguyên nhân.
Ung thư bàng quang có liên quan đến hút thuốc lá, phơi nhiễm tia bức xạ, nhiễm ký sinh trùng, tiếp xúc với hóa chất.
Bản chất của ung thư bàng quang là các tế bào trong bàng quang bị đột biến. Các tế bào bình thường sẽ phát triển bất thường, không kiểm soát được và tạo thành khối u tại bàng quang.
Triệu chứng bệnh Ung thư bàng quang
Triệu chứng ung thư bàng quang thường rất khó nhận biết. Tuy nhiên, có những dấu hiệu có thể giúp bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm để kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám như sau:
Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn
Đái máu là dấu hiệu thường gặp nhất. Đái máu từng đợt, đái máu đại thể, toàn bãi.
Đau khi đi tiểu
Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu: đây là những triệu chứng xuất hiện đầu tiên, do bàng quang bị kích thích hay bị giảm thể tích.
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do u xâm lấn hay do cục máu đông.
Ở giai đoạn muộn của ung thư bàng quang, tế bào ung thư đã di căn xa, sẽ xuất hiện các biểu hiện sau:
Đau hông lưng
Đau trên xương mu
Đau hạ vị
Đau tầng sinh môn
Đau xương
Đau đầu
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư bàng quang
Cũng giống như nguyên nhân gây bệnh, các yếu tô nguy cơ ung thư bàng quang vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến ung thư bàng quang là:
Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn những người trẻ.
Người da trắng dễ có nguy cơ ung thư bàng quang hơn người chủng tộc khác.
Đàn ông dễ bị ung thư bàng quang hơn phụ nữ.
Tiền sử gia đình có người mắc phải ung thư bàng quang là yếu tô nguy cơ của bệnh.
Người đã bị ung thư bàng quang cũng có khả năng tái phát do đã điều trị với thuốc chống ung thư cyclophosphamide làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn hai đến ba lần so với những người không hút thuốc lá.
Nghề nghiệp dễ mắc ung thư như làm cao su, chất hóa học, da thuộc, thợ làm tóc, thợ kim khí, thợ in, thợ dệt, tài xế xe tải. Đây là những ngành nghề tiếp xúc thường xuyên với những chất sinh ung.
Những người bị nhiễm ký sinh trùng cũng có nguy cơ ung thư bàng quang.
Ngoài ra, các bệnh lý viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn nhiều lẫn hoặc sử dụng ống thông đường tiểu lâu ngày cũng gây nên ung thư bàng quang.
Phòng ngừa bệnh Ung thư bàng quang
Để phòng tránh ung thư bàng quang xảy ra, cần thực hiện những điều sau:
Không hút thuốc lá
Tránh phơi nhiễm với những loại hóa chất và nguồn nước mới
Uống nhiều nước mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều loại rau xanh và hoa quả.
Khám sức khỏe định kỳ.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư bàng quang
Để chẩn đoán ung thư bàng quang, cần phải thực hiện các phương pháp sau:
Xét nghiệm nước tiểu tìm tế bào ung thư.
Soi bàng quang: dùng ống nội soi đưa vào niệu đạo để soi.
Sinh thiết: sinh thiết được thực hiện trong quá trình soi bàng quang để lấy một mẫu mô nhỏ đem đi soi.
Chụp tĩnh mạch có cản quang: bệnh nhân được tiêm cản quang vào tĩnh mạch, sau đó được thận thải ra và đến bàng quang. Lúc này chụp X quaNg sẽ thấy được những hình ảnh bất thường của bàng quang.
Có thể chụp cắt lớp vi tính để quan sát đường tiết niệu và mô xung quanh nó.
Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư bàng quang ?
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư bàng quang
Điều trị ung thư bàng quang hiện nay rất hiệu quả, bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Có những phương pháp để điều trị ung thư bàng quang hiện nay như:
Phẫu thuật điều trị ung thư bàng quang
Là phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến. Các phẫu thuật bao gồm: cắ bỏ u ung thư bàng quang niệu đạo, cắt bỏ bàng quang bán phần, cắt bỏ bàng quang triệt để, cắt bỏ các hạch lân cận, cắt bỏ một phần niệu đạo... Đối với nam giới có thể phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tính, phụ nữ thì cắt bỏ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo.
Hóa trị
Đưa hóa chất vào cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Có thể kết hợp các loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Điều trị hóa chất có thể điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp với cả phẫu thuật và xạ trị. Nếu ung thư bàng quang còn ở bề mặt, bệnh nhân sẽ được đưa hóa chất vào bàng quang sau khi đã phẫu thuật lấy u bàng quang qua đường niệu đạo.
Xạ trị
Xạ trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u.
Xạ trị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt tận gốc các tế bào ung thư.
Những bệnh nhân không phẫu thuật được thì tiến hành xạ trị bao gồm xạ trị trong và xạ trị ngoài.
Ngoài ra, ung thư bàng quang còn được điều trị bằng một số phương pháp khác như: điều trị sinh học (điều trị bằng miễn dịch): phương pháp này áp dụng sau phẫu thuật lấy u qua đường niệu đạo với u ở bề mặt bàng quang, sử dụng hệ thống miễn dịch sẵn có để chống lại tế bào ung thư. Đây là biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái phát ung thư bàng quang.