Tổng quan bệnh Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng hay còn gọi là ung thư ruột già là một loại ung thư thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt trong trường hợp phát hiện khi bệnh còn ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư. Nếu phát hiện muộn thì khả năng điều trị rất ít hiệu quả.
Bệnh học ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của đại tràng: đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng.
Bệnh phát triển với 4 giai đoạn chính, được phân loại dựa trên cấu trúc của đại tràng và cách tế bào lây lan từ đại tràng tới các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn ung thư càng muộn thì tiên lượng sống càng giảm. Ung thư giai đoạn đầu thường phát triển chậm hơn và có tiên lượng tốt hơn.
Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, lúc này ung thư vẫn chỉ giới hạn trong đại tràng. Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ có ở niêm mạc, phát triển trong các lớp của đại tràng.
Giai đoạn II: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan ra và xâm lấn tới các khu vực khác trong đại tràng, nhưng chưa di căn tới các cơ quan khác của cơ thể. Giai đoạn này được phân loại thành các giai đoạn nhỏ IIa, IIb và IIc, dựa trên sự lan xa của các tế bào ung thư.
Giai đoạn III: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Giai đoạn này được chia thành IIIa, IIIb và IIIc dựa trên số lượng hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi ung thư.
Giai đoạn IV: Đây là ung thư đại tràng giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.
Giai đoạn IVa: Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp của thành ruột và xâm lấn sang các hạch bạch huyết vùng, đồng thời di căn đến một phần xa của cơ thể, chẳng hạn như gan hoặc phổi.
Giai đoạn IVb: Ung thư đã di căn ra hơn một phần xa của cơ thể
Ung thư đại tràng có chữa được không?
Ung thư đại tràng là loại ung thư gây tử vong cao thứ tư trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Tiên lượng sống sau 5 năm ở người bị ung thư tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm thì điều trị hiệu quả hơn. Tiên lượng sống sau 5 năm theo giai đoạn là:
Giai đoạn 1: 90%
Giai đoạn 2: 80-83%
Giai đoạn 3: 60%
Giai đoạn 4: 11%
Nguyên nhân bệnh Ung thư đại tràng
Nguyên nhân ung thư đại tràng bao gồm:
Polyp đại tràng: Là nguyên nhân quan trọng gây ung thư đại tràng. Theo một nghiên cứu, trên 50% trường hợp ung thư đại tràng phát sinh trên cơ sở của polyp đại tràng. Số lượng polyp càng nhiều thì tỷ lệ ung thư hoá càng cao.
Các bệnh đại tràng mãn tính: Ung thư đại tràng có thể phát sinh trên tổn thương của các bệnh: lỵ, amip, lao, giang mai, thương hàn và các bệnh lý khác của đại tràng như viêm loét đại tràng mãn tính
Chế độ ăn uống ít chất bã, nhiều mỡ và đạm động vật: Chế độ ăn này làm thay đổi vi khuẩn yếm khí ở đại tràng, biến acid mật và cholesterol thành những chất gây ung thư. Đồng thời thức ăn ít bã làm giảm khối lượng phân gây táo bón, chất gây ung thư sẽ tiếp xúc với niêm mạc ruột lâu hơn và cô đặc hơn, tác động lên biểu mô của đại tràng. Các chất phân hủy của đạm như indol, seatol, piridin là những chất gây ung thư trong thực nghiệm, cũng có thể gây ung thư trên người.
Yếu tố di truyền: Bệnh polyp đại tràng gia đình liên quan tới đột biến của gen APC (Adenomatous polyposis coli), chiếm 1% các ung thư đại tràng. Ngoài ra, HNPCC còn gọi là hội chứng Lynch, liên quan tới gen P53, RAS và DCC. Chiếm 5% trong số các ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng bệnh Ung thư đại tràng
Triệu chứng ung thư đại tràng bao gồm:
1. Đau bụng:
Đau bụng là một trong những triệu chứng sớm nhất và có ở 70 - 80% bệnh nhân ung thư đại tràng.
Hoàn cảnh xuất hiện cơn đau không theo một quy luật nào: có thể đau bất kỳ lúc nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn, vị trí đau thường ở vùng bị ung thư. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ. Cường độ đau lúc đầu thì ít, về sau đau nhiều.
Ung thư ở đại tràng phải đến muộn thường có triệu chứng bán tắc ruột: người bệnh đau bụng từng cơn, đôi khi thấy sôi bụng, sau khi trung tiện được thì hết đau (hội chứng Koenig).
Ung thư ở đại tràng trái thường đau dữ dội khi có biến chứng tắc ruột.
2. Rối loạn tiêu hoá:
Thường có ở 60% bệnh nhân ung thư đại tràng
Biểu hiện bằng táo bón, tiêu lỏng hoặc xen kẽ giữa táo bón và tiêu lỏng.
Táo bón thường thấy ở ung thư đại tràng trái nhiều hơn, táo bón kéo dài làm người bệnh khó chịu, nhức đầu, chán ăn, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Dùng thuốc nhuận tràng người bệnh có thể đi tiêu trở lại, nhưng sau đó lại táo bón tiếp tục.
Táo bón là do ung thư làm hẹp lòng ruột, cản trở lưu thông của phân, gây ứ đọng phân. Hiện tượng ứ đọng phân làm tăng quá trình thối rữa và lên men, sinh nhiều hơi, làm bụng chướng đồng thời cũng tăng bài tiết chất nhầy ở ruột, những chất nhầy này sẽ làm tiêu lỏng với phân lẫn chất nhầy và đôi khi có máu.
3. Phân lẫn máu
Người bệnh đi tiêu, phân thường có máu do chảy máu ở vị trí ung thư (bên phải bị nhiều hơn bên trái).
Xuất huyết ở đại tràng phải phân thường có màu đỏ sẫm, xuất huyết ở đại tràng trái phân có màu đỏ tươi hơn. Phân lẫn máu thường có ít chất nhầy của niêm mạc ruột.
Hiện tượng xuất huyết thường rỉ rả, từng ít một nên lúc đầu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Sau đó do mất máu kéo dài nên làm người bệnh thiếu máu.
4. Triệu chứng toàn thân
Do các sản phẩm thoái hoá của tổ chức ung thư và các chất trong ruột đã được hấp thụ qua thành ruột vào cơ thể, thường gặp ở ung thư đại tràng phải nhiều hơn ở ung thư đại tràng trái
Sụt cân: có thể sụt cân từ từ làm người bệnh không chú ý, nhưng cũng có khi sụt cân nhanh (5kg trong 1 tháng), kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi.
Thiếu máu: đặc điểm của thiếu máu trong ung thư đại tràng là thiếu máu mà không biểu hiện rõ sự mất máu nên khó phát hiện.
Sốt: khoảng 16%- 18% bệnh nhân ung thư đại tràng có triệu chứng duy nhất là sốt.
5. Khối u
Gặp ở 60% nhân bệnh ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng phải dễ sờ thấy u hơn ở đại tràng trái. U ở 2 góc phải và trái đại tràng thường khó sờ thấy vì bị che lấp.
Khi sờ thấy u của đại tràng thì thường là bệnh đã đến giai đoạn muộn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư đại tràng
Người trên 50 tuổi
Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm đại tràng mãn tính như viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn
Bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh polyp đại tràng, đặc biệt là đa polyp có tính chất gia đình, hội chứng Lynch
Có chế độ ăn không hợp lý: nhiều chất béo, ít chất xơ
Lười hoạt động thể chất, hút thuốc, béo phì
Các bệnh khác: bệnh nhân chiếu xạ ổ bụng, bị to đầu chi, bệnh nhân ghép thận
Phòng ngừa bệnh Ung thư đại tràng
Kiểm tra đại trực tràng thường xuyên:
Là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư
Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển
Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh:
Tránh ăn nhiều thịt, dầu mỡ, thức ăn chiên nướng
Hạn chế thức uống có cồn, thuốc lá
Ăn nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây)
Thường xuyên tập thể dục
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư đại tràng
Chẩn đoán ung thư đại tràng dựa vào các triệu chứng lâm sàng, X-quang và nội soi
1. Lâm sàng:
Bệnh được chia thành 6 thể lâm sàng:
Thể viêm ruột (40-50%)
Thể rối loạn tiêu hoá (20-25%)
Thể nhiễm độc và thiếu máu (10-15%)
Thể tắc ruột (30-35%)
Thể viêm nhiễm các cơ quan trong ổ bụng như: viêm ruột thừa, viêm túi mật, viêm tụy cấp, … (5-7%)
Thể u (2-3%)
2. X-quang:
X-quang là một phương pháp phổ biến và có giá trị để chẩn đoán ung thư đại tràng. Có 2 phương pháp thường dùng:
Chụp cản quang khung đại tràng bằng thuốc baryt
Chụp cản quang kép: sau khi thụt baryt vào đại tràng để người bệnh đi tiêu rồi bơm hơi vào đại tràng để chụp, phương pháp này có thể phát hiện khối u rõ hơn
3. Nội soi tiêu hóa:
Nội soi được tiến hành khi hình ảnh X-quang của khối u không rõ hoặc khi cần phân biệt các khối u lành tính với ác tính của đại tràng và trong những trường hợp xuất huyết ở đại tràng không rõ nguyên nhân.
Nội soi kết hợp với sinh thiết có giá trị lớn trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt ung thư đại tràng.
4. Các xét nghiệm khác: chụp X-quang bụng, chụp CT scanner, chụp MRI, chụp PET,… có giá trị đánh giá giai đoạn bệnh
5. Xét nghiệm sàng lọc ung thư đại tràng:
Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT): máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Vì vậy, nếu xét nghiệm dương tính cần nội soi đại trực tràng bằng ống mềm để kiểm tra.
Nội soi đại tràng: đánh giá toàn bộ khung đại tràng và trực tràng, giúp phát hiện các khối u ở kích thước khoảng vài milimet hoặc các bất thường khác của đại tràng như polyp đại tràng, túi thừa, các tổn thương loét, viêm do nhiễm khuẩn, …
Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: bao gồm các dấu ấn CEA, CA 19-9 thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư đại tràng
Phương pháp điều trị được quyết định dựa trên giai đoạn của ung thư đại tràng
Giai đoạn I đến IIIa: thông thường có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u
Giai đoạn IIIb hoặc IIIc: hóa trị kèm theo phẫu thuật để ngăn ngừa các tế bào ung thư tấn công các cơ quan khác của cơ thể
Giai đoạn IV: hóa trị là phương pháp hiệu quả để điều trị ung thư
Phẫu thuật:
Phẫu thuật dự phòng bệnh: phẫu thuật cắt bỏ những thương tổn tiền ung thư góp phần tích cực làm hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh
Phẫu thuật điều trị ung thư: có hai loại chỉ định chính là phẫu thuật triệt để và tạm thời. Việc áp dụng chỉ định nào hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh
Xạ trị:
Xạ trị có thể chữa khỏi bệnh, giúp kéo dài thời gian và điều trị triệu chứng bệnh ung thư.
Hóa trị:
Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh ung thư.