Tổng quan bệnh Ung thư túi mật
Ung thư túi mật là ung thư xuất phát từ các tế bào ở túi mật.
Túi mật là cơ quan nhỏ hình quả lê nằm ở hạ sườn phải, bên dưới gan. Nó có chức năng dự trữ dịch mật-một loại dịch tiêu hóa được sản xuất từ gan.
Ung thư túi mật có nguy hiểm không? Ung thư túi mật là bệnh khá hiếm gặp. Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh là rất cao. Nhưng đa số ung thư túi mật được phát hiện ở giai đoạn muộn nên điều trị và tiên lượng thường rất xấu.
Ung thư túi mật là bệnh khó chẩn đoán do bệnh thường không có các triệu chứng đặc hiệu. Ngoài ra vị trí bị che lấp bởi gan tự nhiên của túi mật tạo điều kiện cho ung thư túi mật phát triển mà không bị phát hiện.
Nguyên nhân bệnh Ung thư túi mật
Nguyên nhân ung thư túi mật hiện nay chưa được biết rõ. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Sỏi mật: Sỏi mật là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư túi mật. Sỏi mật cũng là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp nhất ở Mỹ và 75-90% bệnh nhân ung thư túi mật có tiền sử sỏi mật. Tuy nhiên nhỏ hơn 1% bệnh nhân sỏi mật tiến triển thành ung thư túi mật. Hiện nay nguyên nhân một số bệnh nhân sỏi mật xuất hiện ung thư túi mật trong khi đa số bệnh nhân sỏi mật khác thì không vẫn chưa được biết rõ.
- Polyp túi mật: các polyp túi mật lớn hơn 1 cm được khuyến cáo cắt bỏ bởi vì có khả năng cao tiến triển thành ung thư.
- Tuổi: đa số bệnh nhân ung thư túi mật được chẩn đoán lớn hơn 70 tuổi
- Giới tính: ung thư túi mật xảy ra ở nữ gấp 2 lần ở nam
- Hút thuốc lá: hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường mật
- Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư túi mật là yếu tố nguy cơ của bệnh
Triệu chứng bệnh Ung thư túi mật
Dấu hiệu ung thư túi mật thường gặp bao gồm:
Đau bụng: đau thường bắt đầu từ vùng hạ sườn phải sau lan ra khắp bụng
Chướng bụng: Bụng chướng do dịch
Sốt
Giảm cân không rõ nguyên nhân: giảm > 10% trọng lượng cơ thể mà không rõ nguyên nhân
Nôn, buồn nôn: có thể nôn ra dịch mật màu vàng, vị đắng
Vàng da và củng mạc mắt vàng
Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối ở vùng bụng phải
Ngoài ra khi ung thư túi mật di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể sẽ có các biểu hiện tại cơ quan đó:
Di căn phổi: khó thở, ho ra máu, tràn dịch màng phổi…
Gan: đau hạ sườn phải, vàng da, …
Xương: đau xương, gẫy xương bệnh lý
Não: đau đầu, rối loạn ý thức, động kinh, liệt..
Ung thư túi mật được chia làm 4 giai đoạn phụ thuộc vào tính chất khối u, sự di căn hạch và di căn xa:
Ung thư túi mật giai đoạn 1: Khối u khu trú ở túi mật, không di căn hạch và di căn xa
Ung thư túi mật giai đoạn 2: Khối u xâm lấn các mô liên kết xung quanh, không di căn hạch và di căn xa
Ung thư túi mật giai đoạn 3 A: Khối u xâm lấn vượt qua thành túi mật nhưng chưa tới động mạch và tĩnh mạch gần đó. Không có di căn hạch và di căn xa.
Ung thư túi mật giai đoạn 3 B: Khối u di căn hạch vùng nhưng không tới các động mạch và tĩnh mạch gần đó. Không có di căn xa
Ung thư túi mật giai đoạn cuối: ung thư lan tới động tĩnh mạch gần đó và/hoặc hạch vùng nhưng chưa có di căn xa. Hoặc khối u di căn xa đến các cơ quan khác
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư túi mật
- Các bệnh nhân có tiền sử sỏi mật, đặc biệt là sỏi mật tái phát nhiều lần
- Bệnh nhân có tiền sử polyp túi mật
- Người hút thuốc lá
- Người nghiện rượu
- Người có người thân trong gia đình bị ung thư túi mật
Phòng ngừa bệnh Ung thư túi mật
Chưa có biện pháp phòng ung thư túi mật đặc hiệu. Các biện pháp nâng cao sức khỏe, ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn và đi khám định kỳ cũng được chứng minh có tác dụng nhất định:
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế rượu bia và chất kích thích
- Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư túi mật
Sinh thiết
Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh ung thư túi mật. Mẫu bệnh phẫu sinh thiết có thể được lấy theo các phương pháp sau:
Sau phẫu thuật
Nội soi ổ bụng
Nội soi thực quản dạ dày tá tràng
Sinh thiết bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm hoặc cắt lớp vi tính.
Nội soi chụp đường mật ngược dòng (ERCP- Endoscopic retrograde cholangiopancreatography):
Cho phép nhìn trực tiếp tổn thương
Bác sỹ sử dụng dụng cụ nội soi qua đường miệng, thực quản xuống dạ dày và ruột non. Chất chỉ thị màu sẽ được bơm vào đường mật, sau đó bệnh nhân được chụp Xquang để quan sát sự tồn tại của khối u có hay không?
Trong trường hợp tắc mật có thể đặt stent đường mật trong khi thực hiện ERCP.
Phương pháp thường được sử dụng để phát hiện khối u đường mật hơn là u túi mật.
Tuy nhiên ERCP giúp đánh giá ung thư túi mật xâm lấn đường mật.
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng
Đánh giá vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn xung quanh của ung thư túi mật
Siêu âm ổ bụng
Phương pháp đơn giản, dễ thực hiện giúp đánh giá sơ bộ túi mật và đường mật cũng như cơ quan trong ổ bụng
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư túi mật
Điều trị ung thư túi mật bao gồm các phương pháp sau:
Phẫu thuật
Cắt túi mật: cắt bỏ túi mật đơn giản. Có thể thực hiện cắt túi mật mở rộng là cắt túi mật cộng với phần mô xung quanh túi mật khoảng 1 inch cùng vét hạch vùng.
Cắt túi mật toàn bộ: cắt túi mật và phần gan hình chêm gần túi mật, ống mật chủ và vét hạch quanh tụy, hạch cạnh động mạch và tĩnh mạch.
Phẫu thuật triệu chứng: giảm tắc nghẽn đường mật
Xạ trị
Chỉ định bổ trợ sau phẫu thuật giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Chỉ định tân bổ trợ trước phẫu thuật giúp khối u giảm kích thước, từ không thể phẫu thuật thành có thể phẫu thuật.
Hóa chất
Nên được chỉ định sau phẫu thuật để ngăn chặn khối u tái phát.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo điều trị Capecitabine (Xeloda) 6 tháng sau phẫu thuật