1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lý do phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nêu ý do khiến Ankara phản đối về kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lý do phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Reuters).

Trong buổi họp báo ngày 13/5, Tổng thống Erdogan nói rằng Ankara "không có quan điểm tích cực" về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Ông Erdogan cáo buộc rằng, ở 2 quốc gia Bắc Âu, có sự xuất hiện của những tổ chức mà Ankara coi là "khủng bố". Khái niệm "khủng bố" mà ông Erdogan đề cập tới ở đây, ám chỉ Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), một phong trào ly khai hoạt động ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ của người Kurd và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C), một đảng ngoài vòng pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu của ông Erdogan được đưa ra sau khi Helsinki và Stockholm bày tỏ mong muốn từ bỏ chính sách trung lập lâu năm để gia nhập NATO sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2.

"Chúng tôi đang theo dõi các tiến độ liên quan tới việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, nhưng chúng tôi không ủng hộ điều đó. Vào thời điểm này, chúng tôi không thể có cách tiếp cận tích cực với vấn đề nói trên", ông Erdogan nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng, liên minh quân sự này rất sẵn sàng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan và quá trình có thể sẽ diễn ra nhanh chóng.

Nga nhiều lần cảnh báo rằng, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Moscow và cho biết sẽ có động thái đáp trả tương xứng.

Việc kết nạp thành viên mới vào NATO sẽ cần sự nhất trí của tất cả các thành viên hiện tại, vì vậy sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng tới việc 2 nước Bắc Âu muốn gia nhập liên minh quân sự.

Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần chỉ trích Thụy Điển và các nước châu Âu khác vì đã chính sách của họ với các tổ chức và cá nhân bị Ankara coi là khủng bố, như là PKK hay những tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Ankara cáo buộc, những người ủng hộ ông Gulen đã âm mưu thực hiện vụ đảo chính vào năm 2016. Ông Gulen và những người ủng hộ ông đã phủ nhận cáo buộc.

Ngoài ra, dù là thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng duy trì quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine và đã đóng vai trò như trung gian hòa giải giữa 2 nước trong hơn 2 tháng qua.

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm