1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lãnh đạo Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO "không chậm trễ"

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan nhất trí quan điểm rằng, nước này nên gia nhập NATO càng nhanh càng tốt bất chấp cảnh báo của Nga.

Lãnh đạo Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO không chậm trễ - 1

Một xe tăng Leopard 2A6 của Phần Lan trong cuộc tập trận chung với Anh, Latvia, Estonia ngày 4/5 (Ảnh: Getty).

"Phần Lan phải nộp đơn gia nhập NATO càng nhanh càng tốt… Gia nhập NATO sẽ giúp tăng cường an ninh của Phần Lan và tăng cường năng lực phòng thủ của toàn khối ", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết trong tuyên bố chung ngày 12/5.

Tuyên bố này được xem là dấu hiệu rõ rệt nhất từ trước đến nay về việc Phần Lan sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO - một quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử đối với một quốc gia duy trì chính sách trung lập về quân sự hàng chục năm nay. Tổng thống Navasto nói, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm thay đổi tình hình an ninh của Phần Lan mặc dù không gây ra mối đe dọa trực tiếp.

Hai nhà lãnh đạo hy vọng rằng Phần Lan có thể hoàn tất các bước để đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng vài ngày. Chính phủ Phần Lan sẽ thảo luận vào cuối tuần này và quốc hội có thể phê duyệt vào đầu tuần tới. Sau khi hoàn tất các bước này, NATO sẽ mời Phần Lan tham gia quá trình đàm phán kết nạp.

Động thái này của Phần Lan có thể vấp phải phản ứng gay gắt của Nga. Nga từ lâu coi việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực là mối đe dọa an ninh đối với nước này. Tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo, Nga sẽ có các biện pháp củng cố sườn phía Tây bằng các biện pháp nhằm "tái cân bằng tình hình" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Phần Lan có chung đường biên giới kéo dài hơn 1.300 km với Nga. Nếu Phần Lan gia nhập NATO, thì đường biên của các nước NATO với Nga sẽ tăng gần gấp đôi. Nga hiện có chung biên giới với 14 quốc gia, trong đó 5 quốc gia là thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Phần Lan cũng như Thụy Điển buộc phải xem xét lại chính sách an ninh trung lập, đặc biệt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Theo kết quả khảo sát dư luận, tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO ở Phần Lan đã tăng từ 30% lên 80% kể từ đó đến nay. Về phía NATO, liên minh này tuyên bố sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Phần Lan trong quá trình đàm phán gia nhập.

Theo CNBC
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine