1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới hi vọng vào một nước Mỹ đổi thay sau bầu cử

(Dân trí) - Trên khắp thế giới, hàng triệu người tụ tập ở các quán bar, nhà hàng để chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. “Thở phào” vì cuối cùng Nhà Trắng cũng sẽ được trao cho người mới, nhiều người cảm thấy phấn chấn trước lời hứa thay đổi của Obama.

Trong khi hàng triệu người Mỹ đi bỏ phiếu để lựa chọn giữa Obama và McCain, thế giới cũng bắt đầu nóng, với tâm thế sẵn sáng chứng kiến thời khắc lịch sử sẽ vang dội ra cả bên ngoài biên giới nước Mỹ.

 

“Người Mỹ đang lựa chọn tổng thống mới, nhưng với người Đức, người châu Âu, đây là cuộc bầu chọn tân lãnh đạo thế giới”, Alexander Rahr, giám đốc Uỷ ban đối ngoại Đức cho biết.

 

Các cuộc tiên đoán vào cuối đêm ở Mỹ cho thấy Obama đang áp đảo trước McCain về số phiếu đại cử tri, và nhiều người trên khắp thế giới đã nắm lấy tin này (mặc dù hàng triệu phiếu vẫn đang được kiểm) như một dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang trên ngã rẽ lịch sử, xét cả về mặt chính trị cũng như xã hội.

 

“Trước kia tôi luôn tưởng tưởng nước Mỹ phải do một người da trắng lãnh đạo, nhưng giờ, tất cả đang thay đổi”, một tài xế taxi 65 tuổi, một người ủng hộ Obama cho biết khi ông đang nghe đài cập nhật về kết quả bầu cử vào sớm ngày 5/11 tại Tokyo.

 

Còn ở Kenya, nơi quê cha đất tổ của Obama, mọi người như vỡ oà trong niềm vui sướng và tự hào. Họ đổ ra đường, tổ chức tiệc thâu đêm để theo dõi kết quả của cuộc bầu cử tại Mỹ.

 

“Tôi không thấy mệt mặc dù thức theo dõi kết quả suốt đêm”, Josiah Otupa, 30 tuổi, cho biết tại thủ đô Nairobi của Kenya. “Người đàn ông của chúng tôi đang dẫn đầu, nhưng chúng tôi sẽ vẫn cầu nguyện nhiều”.

 

Làng Moneygall ở Ireland cũng tuyên bố Obama là “con trai” của họ, do kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy kỵ của ứng cử viên đảng Dân chủ là Joseph Kearney đã sống ở làng này trước khi di cư tới Mỹ.

 

Tại quán bar Hayes của làng, người ta đã treo một lá cờ Mỹ ở bên ngoài cửa sổ, và ban nhạc địa phương đã chơi bài “There's No One as Irish as Barack Obama” (tạm dịch: Không có ai thấm "chất Ireland" hơn Obama)

 

Còn người ủng hộ McCain lâu năm Kay Angelis cho biết cảm thấy “hơi cô đơn và khác người” khi là một người đảng Cộng hoà ở Pháp.

 

Rất nhiều cử tri Mỹ đang sống ở bang Baja California tại Mexicođã vượt qua biên giới để bỏ phiếu. Trong số đó có Roberto Chavez, một kỹ sư 32 tuổi, người mang hai quốc tịch. “Thường tôi chỉ bỏ phiếu ở Mexico do tôi sống ở đây. Nhưng tôi sẽ tham gia bầu cử Mỹ năm nay, vì tôi muốn Obama thắng cử”.

 

Tại Đức, hồi hè vừa qua, hơn 200.000 người đã đổ về Berlin để lắng nghe bài phát biểu của Obama khi ông có chuyến công du tới châu Âu và Trung Đông. Và giờ đây, tin về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thống trị tất cả các kênh truyền hình, các tờ báo và các trang web.

 

Tại một thủy cung ngầm gần Tháp Eiffel ở Paris, rất đông người thuộc đảng Dân chủ và rải rác người đảng Cộng hoà chia sẻ bỏng ngô, cốc-tai cùng nhau để đợi kết quả bỏ phiếu.

 

Marielle Davis, người Mỹ sinh ra ở Pháp cho biết Obama thắng cũng có nghĩa là cô sẽ trở lại Mỹ. Cô đã phải rời Boston vì căng thẳng quanh cuộc chiến Iraq. “Mọi người đã chỉ vào tôi và nói: “Cô ta là người Pháp”, thậm chí cả bạn tốt của tôi cũng vậy”, cô nhớ đến những lời chỉ trích mọi người chĩa vào mình do quan điểm đối lập của Pháp về cuộc chiến ở Iraq khi đó.

 

"Hội chứng" mê Obama không chỉ lan khắp châu Âu mà còn sang rất nhiều nước ở thế giới Hồi giáo. Những người Hồi giáo hi vọng ứng viên đảng Dân chủ sẽ tìm kiếm hoà bình, hoà giải, thay vì đối đầu với họ.

 

Chính quyền Bush đã khiến người Hồi giáo “không ưa” do đã ngược đãi tù nhân bị tình nghi là khủng bố ở nhà tù trên vịnh Guantanamo, Cuba, và nhà tù Abu Ghraib ở Iraq, khiến cả thế giới lên án.

 

Nizar al-Kortas, phụ trách chuyên mục của tờ Al-Anbaa, Kuwait, cho rằng chiến thắng cho Obama là “một bước tiến lịch sử để làm thay đổi hình ảnh về một chính quyền Mỹ ngạo mạn”.

 

Tuy nhiên, McCain lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Israel, do ông có quan điểm cứng rắn hơn Obama về Iran. Leah Nizri, 53 tuổi, một nhân viên ngân hàng ở Jerusalem cho biết cô thích McCain hơn. Obama “còn quá trẻ. Tôi cho rằng trong tình hình thế giới đang bị suy thoái hiện nay, McCain sẽ tốt hơn Obama”.

 

Thậm chí tại châu Âu, McCain cũng nhận được một vài sự tôn trọng. Nhật báo lớn của Đức Bild ca ngợi ứng viên Cộng hoà là “Anh hùng chiến tranh” và phó tướng Sarah Palin là “Ẩn số đẹp”.

 

Nhiều người châu Âu đề cập đến chủng tộc khi nói về Obama. "Đó là một cách để người Mỹ xin lỗi về quá khứ sử dụng người da đen làm nô lệ", Alain Barret, nhân viên ngân hàng ở Paris, nói. "Cuộc bầu cử này khiến lịch sử Mỹ sang trang".

 

"Có một tổng thống không phải người da trắng, điều đó thật tuyệt", Letisha Brown, một người dân London, nói.

 

Tại thị trấn ven biển thanh bình Obama ở Nhật (Obama trong tiếng Nhật có nghĩa là bãi biển nhỏ), hình ảnh của Obama được thấy khắp nơi, dọc một con phố mua sắm chính.

 

“Nhiệt” của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng lên cao ở Việt Nam, nơi McCain từng bị bắt giữ làm tù binh chiến tranh hơn năm năm, sau khi máy bay của ông bị bắn hạ vào năm 1967.

 

Phan Anh

Theo AP