1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine muốn đưa "sát thủ vô hình" tới từng chiến hào trên tiền tuyến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ukraine tuyên bố nước này đang tăng cường sản xuất thiết bị tác chiến điện tử và đặt mục tiêu đưa những "sát thủ vô hình" này tới các chiến hào.

Ukraine muốn đưa sát thủ vô hình tới từng chiến hào trên tiền tuyến - 1

Vũ khí tác chiến điện tử bùng nổ trên tiền tuyến khi UAV ngày càng được sử dụng rộng rãi (Ảnh: UP).

Trong hơn 2 năm qua, Nga và Ukraine đã triển khai vũ khí tác chiến điện tử, dựa vào công nghệ giá rẻ nhưng hiệu quả cao để đánh chặn máy bay không người lái tấn công và đạn dược dẫn đường.

Với việc UAV bay rợp trời, đe dọa bất cứ thứ gì đang di chuyển, nhu cầu về hệ thống tác chiến điện tử là rất lớn. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết Kiev đã đầu tư rất lớn vào năng lực tác chiến điện tử để nhanh chóng đưa chúng ra tiền tuyến.

Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, giải thích: "Về việc phát triển hệ thống tác chiến điện tử, chúng tôi đang làm điều tương tự như chúng tôi đã làm với máy bay không người lái: Mở rộng quy mô sản xuất trong nước".

Ông nói: "Để làm được như vậy, chúng tôi đã bắt đầu bằng cách xác định nhu cầu, khả năng và thách thức sản xuất. Chúng tôi tạo điều kiện để nhiều công ty tư nhân có thể tham gia, sản xuất và cạnh tranh. Và cơ chế này đang hoạt động. Chúng tôi đã thấy kết quả".

Mục tiêu của Ukraine là đưa thiết bị tác chiến điện tử tới từng chiến hào để ngăn chặn hiệu quả UAV Nga vốn đang gây hàng loạt thiệt hại cho Kiev.

Tác chiến điện tử bao gồm nhiều công cụ, phương pháp và kỹ thuật được thiết kế để can thiệp vào thông tin liên lạc, gây nhiễu tần số và làm gián đoạn thông tin hệ thống định vị vệ tinh, cắt đứt kết nối giữa máy bay không người lái và người điều khiển nó hoặc khiến vũ khí đi chệch hướng.

Ông Fedorov nói: "Cần có nhiều công cụ tác chiến điện tử khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược. Nói cách khác, mỗi chiến hào đều cần có thiết bị tác chiến điện tử".

Ukraine đã mua 2.000 thiết bị tác chiến điện tử tầm gần trong mùa xuân với sự giúp đỡ của UNITED24, một sáng kiến của chính phủ Ukraine nhằm kêu gọi quyên góp tiền để mua vũ khí. Ông Fedorov cho biết "thị trường này đang phát triển rất nhanh".

Các hệ thống tác chiến điện tử tầm gần sẽ đặc biệt hữu ích trong việc chống lại máy bay không người lái của đối phương, đặc biệt là các máy bay bốn cánh nhỏ thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công.

Cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất chứa đầy chất nổ như một loại vũ khí giá rẻ để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào quân nhân, thiết bị, thiết giáp và các vị trí của đối phương, kể cả trong chiến hào. Chúng được xem là "sát thủ vô hình" vì không cần thuốc nổ cũng có thể hạ gục vũ khí đối phương.

Ông Fedorov cho biết tốc độ của cuộc chiến công nghệ ở Ukraine đang rất nhanh và những phát triển mới có vòng đời rất ngắn.

Ông Fedorov nói: "Bản thân công nghệ rất quan trọng, nhưng việc sử dụng công nghệ có tác động rất lớn. Bạn có thể có chiếc máy bay không người lái tốt nhất, nhưng có ý nghĩa gì nếu nó không thể bay trong điều kiện tác chiến điện tử?".

Trong khi đó, Mỹ đang theo dõi việc sử dụng công nghệ tác chiến điện tử ở Ukraine để rút ra bài học.

Đại tá Nicole Petrucci, chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ, cho biết tại một sự kiện hồi tháng 4: "Những gì chúng ta thấy trong cuộc xung đột Ukraine-Nga là tác chiến điện tử được ứng dụng nhiều hơn những gì chúng ta từng thấy trước đây".

Theo BI