1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Màn "so găng" Trump - Biden trước thềm bầu cử: Ai sẽ giành lợi thế?

Quốc Thủy

(Dân trí) - Chuyên gia Mỹ cho rằng, quy định của cuộc tranh luận sắp tới có thể mang lại lợi thế cho ông Biden. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chấp nhận do mong muốn có cơ hội đối đầu trực tiếp đối thủ.

Màn so găng Trump - Biden trước thềm bầu cử: Ai sẽ giành lợi thế? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP).

Trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ngày 27/6 tới, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn cựu Tổng thống Donald Trump - hai người gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay - đều tương đối bận rộn.

Trong khi ông Biden cùng các trợ lý tập dượt ở Trại David, ông Trump có cách tiếp cận khác: Thay vì tranh luận thử, ông gặp mặt hàng loạt chính trị gia đồng minh để nói về các vấn đề chính sách dự kiến được nêu lên, theo The Hill.

Chia sẻ với Dân trí, các chuyên gia chính trị Mỹ nhận định các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống không chỉ là buổi diễn thuyết mà mang lại giá trị thực tế cho các ứng viên. Cả hai sẽ mong muốn có màn thể hiện tốt nhất để thu hút các nhóm cử tri còn do dự.

"Cuộc tranh luận sẽ là sự tổng hòa giữa thảo luận về chính sách và việc các ứng cử viên tấn công về năng lực và phẩm chất của nhau", giáo sư Mitchell McKinney, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật và Khoa học Buchtel thuộc Đại học Akron (Mỹ), nhận định.

Ông Biden hưởng lợi từ quy định tranh luận mới?

Theo thỏa thuận giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa, hai cuộc tranh luận sẽ được tổ chức trước thềm bầu cử: CNN đăng cai cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 27/6, trong khi ABC News tổ chức sự kiện thứ hai vào ngày 10/9, sau khi cả hai đảng chính thức đề cử ứng viên.

CNN đã công bố quy định đối với hai ứng viên trong cuộc tranh luận đầu tiên. Theo đó, trong trường quay sẽ không có khán giả. Micro sẽ bị tắt, trừ khi đến lượt phát biểu. Ông Biden lựa chọn đứng ở bên phải theo góc nhìn của người xem truyền hình, trong khi ông Trump sẽ có quyền phát biểu sau cùng.

Cuộc tranh luận sẽ kéo dài 90 phút, bắt đầu lúc 21h ngày 27/6 giờ địa phương (tức 8h ngày 28/6 giờ Việt Nam).

"Khi các ứng viên tổng thống của các đảng lớn chấp nhận tranh luận, họ luôn tranh cãi về các quy định cụ thể và việc các quy định này có lợi cho ai, có công bằng với hai ứng viên hay không", giáo sư McKinney nói.

Ông McKinney chỉ ra đây là lần đầu tiên một cuộc tranh luận được tổ chức mà không có khán giả trực tiếp kể từ năm 1976. Đó có thể là yêu cầu từ đội ngũ tranh cử của ông Biden do ông Trump có xu hướng kích thích phản ứng của khán giả, điều không phù hợp với phong cách của ứng viên đảng Dân chủ.

Trong khi đó, quy định tắt micro từng được áp dụng kể từ cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên hồi năm 2020. Trước đó, trong cuộc tranh luận đầu tiên năm 2020, ông Trump thường xuyên chen ngang khi ông Biden phát biểu.

"Tôi nghĩ điều này sẽ có lợi cho ông Biden", giáo sư Thomas Holbrook, chuyên gia chính trị học tại Đại học Wisconsin-Milwaukee (Mỹ), nói với Dân trí.

Dù các quy định dường như nghiêng về ông Biden, giáo sư McKinney cho rằng ông Trump vẫn chấp nhận tham gia vì mong muốn có cơ hội tranh luận trực tiếp với đối thủ. "Ông ấy mong muốn điều này đến mức đồng ý với quy tắc tranh luận", vị chuyên gia nói.

Để thuyết phục cử tri, hai ứng viên sẽ cần đề cập tới các vấn đề chính sách. Các chuyên gia nhận định các vấn đề được đề cập đến có thể bao gồm kinh tế, lạm phát, các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông hay vấn đề nhập cư.

Tuy nhiên, ông Biden và ông Trump được dự đoán sẽ không quên chỉ trích lẫn nhau, nhất là khi cả hai đang coi đây là một phần quan trọng trong chiến dịch của mình.

"Donald Trump sẽ tấn công ông Biden về tuổi tác: Liệu ông ấy có quá già và không thể tiếp tục làm tổng thống hay không? Joe Biden sẽ không bỏ qua những gì ông Trump đã làm khi còn ở Nhà Trắng liên quan tới cuộc bạo động tại Đồi Capitol ngày 6/1, cũng như những vấn đề pháp lý gần đây", giáo sư McKinney nói.

Cơ hội cho các ứng viên

Màn so găng Trump - Biden trước thềm bầu cử: Ai sẽ giành lợi thế? - 2

Ông Trump và ông Biden trong một cuộc tranh luận trước thềm bầu cử năm 2020 (Ảnh: AFP).

Thông thường, các cuộc tranh luận chỉ được tổ chức sau khi các đảng phái lớn chính thức đề cử ứng viên, thường là vào tháng 7, tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Tuy nhiên, năm nay có sự khác biệt, khi cả ông Trump và ông Biden đều sớm đánh bật các đối thủ để trở thành ứng viên của đảng mình dù chưa được đề cử chính thức.

Bên cạnh đó, ông Trump từng lên tiếng thách thức ông Biden tham gia tranh luận. Do vậy, đội ngũ tranh cử của phe Dân chủ muốn chứng minh rằng tổng thống đương nhiệm sẵn sàng đối đầu. Đây cũng là cơ hội để ông Biden giành thêm sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh nhiều cuộc thăm dò dư luận kể từ đầu năm cho thấy ông Trump là người dẫn trước.

"Đây có thể là yếu tố quan trọng do quan điểm của cử tri thường có xu hướng chắc chắn hơn trong giai đoạn sau của chiến dịch tranh cử. Vì vậy, lịch trình sớm có thể đem lại hệ quả mạnh mẽ hơn so với trước đây", giáo sư Holbrook nói.

Theo giáo sư McKinney, các cuộc tranh luận trước thềm bầu cử quan trọng với nền chính trị Mỹ cả về tính biểu tượng lẫn thực tiễn. Đây là cơ hội để chứng tỏ hệ thống bầu cử Mỹ cho cử tri cơ hội chứng kiến các ứng viên cùng xuất hiện trước công chúng để kêu gọi phiếu bầu.

"Không có luật hay quy định nào buộc các ứng viên tranh luận. Đây là điều đã phát triển qua thời gian và trở thành tập quán. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đây là dịp duy nhất các ứng viên xuất hiện cùng nhau, với các điều kiện tương đồng, với thời gian như nhau để thuyết phục công chúng Mỹ", giáo sư McKinney cho biết.

"Nếu một ứng viên tổng thống từ chối tranh luận, người đó sẽ vấp phải phản kháng. Đây không phải là điều tích cực trong mắt công chúng Mỹ. Ứng viên đó sẽ bị coi là đang né tránh, sợ hãi, không muốn đứng trước người dân Mỹ để kêu gọi họ bỏ phiếu cho mình", giáo sư McKinney nhận định.

Bên cạnh đó, các ứng viên cũng có tính toán thực tế. Các cuộc tranh luận thường được công chúng đặc biệt chú ý. Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, hơn 73 triệu người Mỹ đã theo dõi cuộc tranh luận giữa ông Trump và ông Biden năm 2020.

"Trong các cuộc bầu cử sát nút có thể được quyết định bởi 1-2% cử tri, các ứng viên cần tận dụng cuộc tranh luận để thu hút nhóm cử tri này", theo giáo sư McKinney.

Dù vậy, các cuộc tranh luận ngày nay có thể không còn quan trọng như trong quá khứ. Theo giáo sư Holbrook, nguyên nhân đến từ sự phân cực ngày càng tăng trong lòng nước Mỹ. Do đó, số lượng cử tri còn do dự ngày càng ít. Thêm vào đó, cử tri cũng có xu hướng không muốn nghe những thông tin đi ngược lại niềm tin của họ.

"Nhìn chung, tầm quan trọng của các cuộc tranh luận có xu hướng giảm trong những kỳ bầu cử vừa qua", vị chuyên gia nhận xét.