1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lương cơ sở tăng 30% thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng tương ứng

Hoa Lê

(Dân trí) - Khi lương cơ sở tăng lên, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh.

Nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh theo lương

Nêu ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 26/6, về các nội dung cải cách tiền lương, tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, cùng với việc tăng lương cần tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Ông nêu thực tế trước khi tăng lương thì giá cả đã tăng nên cần giải pháp bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng.

Lương cơ sở tăng 30% thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng tương ứng - 1

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Ảnh: Quốc hội).

Theo đại biểu, hiện nay, lương chưa tăng mà đã có một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Vì vậy, cần khống chế việc tăng giá theo tâm lý, lợi dụng tăng lương để tăng giá…

Ông đề nghị khi lương tăng cũng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu.

"Hiện nay mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ và lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý. Tôi nghĩ việc này cần quan tâm", ông Hạ cho hay.

Kiểm soát lạm phát tâm lý

Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay, trong 20 năm qua, đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở.

Trong đó, có hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát. Cụ thể, năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3% lên 23% và năm 2011 lương tăng 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 16,8%.

Theo ông Ngân, thực tế lạm phát tăng không chỉ do lương cơ sở mà còn do lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỷ giá tăng… Do đó, trong thời gian tới, ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến 4 vấn đề.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ cần linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỷ giá.

Thứ hai, đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh các hàng hóa dịch vụ nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… không cùng một lúc và phải cách ngày 1/7.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng; thúc đẩy sản xuất.

Cuối cùng, theo đại biểu, quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, "té nước theo mưa" và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Lương cơ sở tăng 30% thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng tương ứng - 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Quốc hội).

Giải trình tại Quốc hội về các nội dung cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Chính phủ đã có đánh giá vào trong báo cáo, khả năng CPI tăng khoảng 0,77%, trong khi đó GDP tăng trưởng có thể đóng góp thêm 0,21%.

Theo Phó Thủ tướng, giá cả biến động chủ yếu là tâm lý. Còn tác động của tăng lương cũng có làm tăng giá, nhưng không cao. Hiện nay, cung - cầu hàng hóa vẫn đáp ứng, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu.

Về việc này, Chính phủ đã có chỉ đạo, đặc biệt Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng đã có công điện về kiểm soát giá cả.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm