1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nêu con đường duy nhất để chấm dứt xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Ukraine nêu con đường duy nhất để đàm phán hòa bình với Nga, đồng thời tin rằng Moscow sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường.

Ukraine nêu con đường duy nhất để chấm dứt xung đột với Nga - 1

Giám đốc tình báo quân sự Ukraine (HUR) Kyrylo Budanov (Ảnh: Kyiv Post).

Trả lời phỏng vấn báo Philadelphia Inquirer số ra ngày 23/6, Giám đốc Tình báo Quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, việc đàm phán hòa bình với Nga không có ý nghĩa vì lựa chọn duy nhất của Kiev là giành lại các vùng lãnh thổ bị Moscow kiểm soát.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc lấy lại những gì đã bị (Nga) kiểm soát. Nếu không, tình trạng chiến tranh sẽ kéo dài mãi mãi", ông Budanov nhấn mạnh.

Ukraine đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào đầu tháng này để tập hợp sự ủng hộ cho công thức hòa bình của nước này, trong đó bao gồm việc khôi phục biên giới quốc gia. Nga không được mời tham dự sự kiện ở Thụy Sĩ.

Cuối năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Zelensky cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm, trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea.

Nga nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev, nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế". Tình hình thực tế mà Moscow đề cập đến bao gồm việc công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.

Trong cuộc phỏng vấn với Philadelphia Inquirer, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường.

"Vũ khí đó sẽ có tác dụng gì? Chúng tôi không tập trung quân quy mô lớn khiến (Nga) sử dụng vũ khí hạt nhân như vậy", ông Budanov cho biết.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.

Ông Budanov cũng nói về sự cần thiết phải sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga. Ukraine tăng cường thực hiện các cuộc tấn công như vậy trong những tháng gần đây. Ngoài ra, ông Budanov cho biết ông tin rằng tên lửa ATACMS tầm xa có thể được sử dụng để phá hủy cầu Crimea.

Cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea do Nga kiểm soát và từ lâu đã trở thành tuyến đường tiếp tế quan trọng cho quân đội Nga ở Ukraine.

Cây cầu đã bị hư hại nặng nề trong các cuộc tấn công của Ukraine vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023. Tuy nhiên, người phát ngôn Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk hồi đầu tháng này cho biết việc phá hủy cây cầu sẽ không còn hiệu quả về mặt quân sự, vì Nga không còn phụ thuộc nhiều vào cầu Crimea cho mục đích quân sự.

Tổng thống Zelensky từng tuyên bố cầu Crimea là mục tiêu hợp pháp của Ukraine và phải bị "vô hiệu hóa". Kiev đã nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa để tấn công cây cầu bắc qua eo biển Kerch. 

Theo Kyiv Post