1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Khoảnh khắc tên lửa phát nổ, đạn chùm rơi xuống bãi biển Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Truyền thông Nga đăng tải đoạn video ghi lại khoảnh khắc đạn chùm rơi xuống bãi biển ở Crimea khiến nhiều người tháo chạy.

Những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc bom chùm lao xuống bãi biển đông người ở Crimea đã được báo Komsomolskaya Pravda chia sẻ hôm 25/6. Cuộc tấn công được ghi lại từ nhiều góc khác nhau ở Uchukuevka, một thị trấn ven bờ Biển Đen.

Theo các quan chức Nga, cuộc tấn công đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 2 trẻ em và hơn 150 người khác bị thương.

Hình ảnh được ghi lại cho thấy những vệt nước bắn tung tóe ngoài biển, được cho là do đạn con từ tên lửa ATACMS của Ukraine phát nổ.

Khoảnh khắc đạn chùm phát nổ ở bãi biển Crimea

Ít nhất một quả bom rơi xuống bãi biển và phát nổ khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy để tìm nơi an toàn. Một người cố gắng đứng dậy trước khi ngã xuống và nằm bất động.

Đoạn video cũng cho thấy một người đàn ông đang kéo một đứa trẻ xuống đất và che chắn cho chúng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 4 tên lửa ATACMS của Mỹ viện trợ cho Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea. Trong khi đó, một tên lửa phát nổ trên không.

Chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm cho biết các mảnh tên lửa đã rơi xuống gần một bãi biển ở phía bắc thành phố Sevastopol, nơi người dân địa phương đang đi nghỉ. Đài truyền hình Nga đăng tải video cho thấy người dân hốt hoảng chạy khỏi bãi biển khi vụ tấn công xảy ra.

Các tên lửa được cho là có gắn đầu đạn chùm. Đạn chùm có khả năng phát tán hàng chục quả bom nhỏ hơn khi được kích nổ.

Loại vũ khí này đã bị cấm ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Đức. Đạn chùm được cho là vô cùng nguy hiểm đối với dân thường vì đạn thường trải rộng trên các khu vực rộng lớn và có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều năm.

Tháng 7 năm ngoái, Mỹ thông báo sẽ cung cấp bom chùm cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi quyết định này là "rất khó khăn" nhưng có lý, cho rằng việc viện trợ cho Ukraine là cần thiết để thúc đẩy một cuộc phản công của Kiev. 

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, các chuyên gia Mỹ đã thiết lập tọa độ bay của tên lửa trên cơ sở thông tin từ các vệ tinh do thám của Mỹ, nghĩa là Washington phải "chịu trách nhiệm trực tiếp" về vụ tấn công vào Sevastopol.

Nga mô tả vụ tấn công bằng tên lửa này là một "hành động khủng bố" và triệu tập Đại sứ Mỹ tại Moscow Lynne Tracy để phản đối.

Washington phủ nhận cáo buộc của Nga về vụ tấn công, cho rằng Kiev tự mình quyết định cách sử dụng vũ khí do phương Tây tài trợ.

Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300km cho Ukraine từ đầu năm nay. Ukraine đã cố gắng nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea bằng tên lửa ATACMS, đáng chú ý nhất là vụ tấn công hồi cuối tháng 5. 

Crimea liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga, cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng cảm tử.

Crimea là bán đảo nằm ở phía nam Ukraine, giữ vị trí chiến lược trên Biển Đen. Crimea sáp nhập vào Nga từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Theo RT