1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tập kích hỏa lực với tần suất dữ dội chưa từng có, Ukraine gặp khó

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thống kê của Ukraine cho thấy Nga đang tập kích hỏa lực các thành phố của Kiev với tần suất dày đặc chưa từng có trong 2 năm qua.

Nga tập kích hỏa lực với tần suất dữ dội chưa từng có, Ukraine gặp khó - 1

Lính cứu hỏa Ukraine dập tắt đám cháy tại một trạm biến áp sau vụ tấn công của Nga (Ảnh: AFP).

Không quân Ukraine thống kê, lần đầu tiên kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát, Nga đã tấn công UAV vào Ukraine liên tục tất cả các ngày trong suốt một tháng.

Theo đó, Nga đã phóng tổng cộng 1.339 UAV Geran (Kiev nghi là Shahed mua của Iran) vào các thành phố và thị trấn của Ukraine trong tháng 9. Ukraine tuyên bố đã đánh chặn được 1.107 chiếc và gây nhiễu một số chiếc khác.

Xu hướng này tiếp tục kéo dài tới những ngày đầu tháng 10, khi Nga mỗi ngày đều phóng UAV Geran để tập kích cơ sở hạ tầng quân sự, năng lượng của đối thủ.

Tháng trước, Thủ tướng Denys Shmyhal đã cảnh báo rằng Moscow đang lên kế hoạch cho các cuộc không kích hàng loạt mới nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Nga đã thực hiện một chiến dịch tấn công lớn nhằm vào Ukraine từ năm 2022 tới nay, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và cần phải cắt điện luân phiên trên khắp cả nước.

Theo Không quân Ukraine, các cuộc tấn công UAV của Nga trong tháng 9 có quy mô không quá lớn, nhưng lại diễn ra thường xuyên. Đây có thể là chiến thuật nhằm buộc Ukraine kéo căng hệ thống phòng không trên cả nước để sau đó Moscow sẽ thực hiện một cuộc tấn công lớn.

Kiev là một trong những thành phố thường bị Nga tấn công trong thời gian qua. Theo Cục Quản lý Quân sự thành phố, Nga thường tập kích vào ban đêm, sử dụng UAV đủ kích cỡ, bay từ nhiều độ cao khác nhau và từ nhiều hướng cùng lúc.

Đặc điểm của các UAV Geran là giá rẻ hơn rất nhiều so với các dòng tên lửa. Nga sở hữu năng lực sản xuất quốc phòng mạnh mẽ và họ đặt ra mục tiêu có thể xuất xưởng 1,4 triệu UAV trong năm nay. Đó là lý do vì sao Nga có điều kiện tăng cường tấn công đối thủ.

Theo chuyên gia Sidharth Kaushal từ viện RUSI (Anh), việc Nga tấn công Ukraine với tần suất dồn dập có 2 mục tiêu.

Thứ nhất, Nga muốn Ukraine cạn kiệt tên lửa đánh chặn để Nga có thể thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa một cách hiệu quả hơn vào mùa đông năm nay. Ukraine đã nhận được nhiều hệ thống phòng không hiện đại từ đồng minh phương Tây giúp bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Nhưng tên lửa đánh chặn mà các hệ thống này sử dụng không rẻ. Một quả tên lửa phòng không IRIS-T có giá khoảng 450.000 USD, đắt gấp 20 lần một chiếc Geran.

Thứ hai, việc Ukraine triển khai hệ thống đánh chặn đồng nghĩa với việc họ sẽ để lộ vị trí của các tổ hợp này với Nga.

Chuyên gia Kaushal cho biết: "UAV có thể được sử dụng như máy dò đường, một công cụ để buộc radar (phòng không) phát sóng, cho phép người Nga lập bản đồ bố trí phòng thủ xung quanh Kiev và các thành phố khác".

Ngoài ra, các vụ tấn công của Nga đang làm suy giảm đáng kể hệ thống năng lượng của Ukraine. 

Cuối tháng 9, Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đã phá hủy tất cả các nhà máy nhiệt điện và hầu hết các năng lực sản xuất thủy điện ở Ukraine.

Vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko đã cảnh báo rằng sắp tới sẽ là mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia Đông Âu. Ông dự đoán rằng sản lượng điện của đất nước sẽ giảm đáng kể khi mùa đông đến gần.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm