1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga tự bắn rơi UCAV S-70 của mình khi đang yểm trợ Su-57 ở Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Ukraine đưa tin, Nga dường như đã bắn rơi máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) S-70 của chính mình khi nó đang bay cặp với tiêm kích Su-57 ở Donetsk.

Nga tự bắn rơi UCAV S-70 của mình khi đang yểm trợ Su-57 ở Ukraine? - 1

Hình ảnh mà báo Ukraine mô tả là UCAV S-70 Nga bị bắn rơi xuống Konstantinovka, Donetsk hôm 5/10 (Ảnh: Kyiv Post).

Kyiv Post ngày 5/10 đăng tải đoạn video mà họ mô tả là ghi lại cảnh tiêm kích Su-57 của Nga bắn hạ chiếc UCAV thử nghiệm Sukhoi S-70 Okhotnik của chính nước này. 

Theo truyền thông Ukraine, vụ bắn rơi xảy ra ở khu vực Konstantinovka, Donetsk. Nga chưa bình luận về thông tin này.

S-70 được thiết kế để hoạt động như một máy bay không người lái hiệp đồng tác chiến với Su-57, tiêm kích thế hệ 5 của Nga. Nó cũng có thể hoạt động độc lập để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công chính xác.

S-70 được xem là UCAV lớn hàng đầu thế giới, với trọng lượng cất cánh khoảng 20 tấn. Nó dài 14m, sải cánh gần 20m và vẫn trong quá trình thử nghiệm trên nguyên mẫu.

Nga tự bắn rơi UCAV S-70 của mình khi đang yểm trợ Su-57 ở Ukraine? (Video: Kyiv Post).

Theo Kyiv Post, các thông tin ban đầu nhận định phòng không Nga dường như đã bắn nhầm vào UCAV của chính mình khiến chiếc S-70 bị rơi. Tuy nhiên, báo Ukraine đã phân tích đoạn video và cho rằng S-70 bị bắn khi đang yểm trợ cho Su-57 trên không, dường như bằng tên lửa tầm nhiệt R-74M2.

Một giả thuyết được các chuyên gia quân sự đưa ra là chiếc S-70 có thể đã gặp sự cố trên không và Su-57 của Nga buộc phải tự bắn rơi UCAV của chính mình để ngăn nó bị lọt vào tay Ukraine, do rủi ro bị lộ công nghệ vào tay đối thủ.

Từ năm ngoái, truyền thông Nga nói rằng, nước này đã và đang thử nghiệm ít nhất 2 UAV S-70 ở Ukraine, và dòng vũ khí này đã khai hỏa tại chiến trường.

"Thợ săn" S-70 Okhotnik do tập đoàn Sukhoi của Nga chế tạo, có khả năng mang tên lửa và bom dẫn đường chính xác. Okhotnik được làm từ vật liệu đặc biệt và trang bị lớp phủ bên ngoài có khả năng "tàng hình" trước các hệ thống radar hiện đại. S-70 có tầm hoạt động 5.000-6.000km, tốc độ bay tối đa 920km/h.

Theo các chuyên gia, trong kịch bản Su-57 và S-70 hiệp đồng tác chiến, chiếc UAV này sẽ đóng vai trò là thiết bị mang vũ khí, và sẽ giúp hỏa lực của Su-57 vốn đã mạnh nay càng mạnh hơn.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó nói rằng S-70 sẽ có nhiệm vụ "mở rộng mạng lưới radar của Su-57" và đóng vai trò trinh sát truy tìm mục tiêu để cung cấp tham số cho Su-57 khai hỏa. Vì vậy, S-70 có thể sẽ được triển khai theo chiến thuật bọc lót cho Su-57, đồng thời giúp tiêm kích thế hệ 5 tìm kiếm, loại bỏ các mục tiêu trên không.

Giới quan sát cho rằng, trong kịch bản tác chiến khác, Su-57 có thể duy trì cự ly cách xa các phương tiện bay của đối phương cũng như các mối đe dọa trên không, và điều khiển S-70 thực hiện các nhiệm vụ tấn công bằng vũ khí và tên lửa trang bị trên UAV. Chiến thuật này giúp giảm thiểu rủi ro xảy ra thiệt hại về người khi Su-57 tham chiến.

Nga từ năm 2022 đã xác nhận Su-57 đã tham gia vào chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine