1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga nêu lý do Pháp không thể làm trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cho rằng, Pháp gần như không thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine vì nước này đứng về phía Kiev và có thể coi là gián tiếp can dự vào cuộc xung đột.

Nga nêu lý do Pháp không thể làm trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 6/4 (Ảnh: Reuters).

"Hiện giờ, Pháp hầu như không thể đóng vai trò trung gian hòa giải bởi vì Paris thực sự đứng về một bên xung đột. Hơn nữa, Paris cũng can dự vào cuộc chiến này cả trực tiếp và gián tiếp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 10/4 nêu rõ.

Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Nga cũng nêu rõ 4 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức không thể làm trung gian hòa giải về xung đột ở Ukraine với lý do hỗ trợ quân sự cho Kiev và áp đặt trừng phạt lên Moscow. "Với cách tiếp cận như vậy, Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể khẳng định vai trò trung gian trung lập khởi động tiến trình hòa bình. Họ không quan tâm đến việc giải quyết khủng hoảng và đang làm mọi cách để kéo dài cuộc đối đầu càng nhiều càng tốt", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Trung Quốc nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình ở Ukraine. Ông Macron bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung Quốc vì "hòa bình và ổn định", nói rằng Bắc Kinh có "vai trò chính" trong việc tìm kiếm con đường hòa bình ở Ukraine.

Ông Macron muốn thuyết phục Bắc Kinh tận dụng mối quan hệ với Nga để đem lại hòa bình ở Ukraine, hoặc ít nhất ngăn Trung Quốc có ý định hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, trong tuyên bố chung sau đó, Trung Quốc không đưa ra cam kết cụ thể về việc này, mà chỉ khẳng định "ủng hộ mọi nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine", phản đối xung đột hạt nhân.

Hiện không rõ trong chuyến thăm này nhà lãnh đạo Pháp có đưa ra những đề xuất riêng về chấm dứt xung đột ở Ukraine hay không. Nếu có, đề xuất đó không được công bố rộng rãi.

Pháp là một trong những quốc gia phương Tây viện trợ mạnh cho Ukraine kể từ khi xung đột Moscow - Kiev nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Paris cũng tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc đến nay khẳng định trung lập trong vấn đề Nga - Ukraine. Tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra một bản kế hoạch hòa bình ở Ukraine gồm 12 điểm, trong đó kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn. Tuy nhiên, Ukraine, Mỹ và một số đồng minh không ủng hộ quan điểm trên vì cho rằng, Moscow có thể tận dụng ngừng bắn để khôi phục lực lượng cho các cuộc tấn công trong tương lai.

Điện Kremlin cho rằng: "Trung Quốc có tiềm năng hòa giải rất hiệu quả và ấn tượng... Nhưng tình hình Ukraine vẫn còn khó khăn và cho đến nay không có triển vọng cho một giải pháp hòa bình".

"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng các mục tiêu của Nga có thể đạt được qua các giải pháp khác nhau. Đó là những giải pháp chính trị - ngoại giao. Nhưng nếu các giải pháp chính trị - quân sự hiện không còn khả thi và trong trường hợp của Ukraine, chúng không thể diễn ra, chúng tôi lấy làm tiếc khi phải sử dụng các phương tiện quân sự, đó là qua chiến dịch quân sự đặc biệt này", ông Peskov phát biểu với phóng viên hôm 29/3.

Moscow cáo buộc phương Tây tìm cách kéo dài xung đột ở Ukraine. "Mỹ và châu Âu, nhưng trước tiên là Mỹ không muốn Kiev bước vào các cuộc đàm phán hòa bình. Họ thậm chí không để Kiev nghĩ về điều đó", ông Peskov cáo buộc.

Theo RT, TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm