1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo cứng rắn nếu Liên hợp quốc điều tra "UAV xuất xứ Iran"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga phát cảnh báo tới Liên hợp quốc sau khi Ukraine kêu gọi tổ chức này đưa chuyên gia tới điều tra các UAV tự sát mà Kiev nghi là do Iran cung cấp cho Moscow.

Nga cảnh báo cứng rắn nếu Liên hợp quốc điều tra UAV xuất xứ Iran - 1

Một UAV tự sát của Nga bay tại Kiev, Ukraine (Ảnh: AFP).

Nga ngày 19/10 cho biết, họ sẽ đánh giá lại sự hợp tác với Liên hợp quốc (LHQ) nếu tổ chức này đưa chuyên gia tới Ukraine để điều tra các UAV mà phương Tây cáo buộc là do Iran cấp cho Nga.

Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky kêu gọi LHQ "tránh tham gia vào bất cứ cuộc điều tra bất hợp pháp nào".

"Nếu không, chúng tôi sẽ phải đánh giá lại quan hệ hợp tác với LHQ - diễn biến không có lợi cho bất cứ bên nào. Chúng tôi không muốn điều đó, nhưng nếu (cuộc điều tra xảy ra), chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác", ông Polyansky cho biết, nhưng không nêu chi tiết về động thái mà Nga dự định có thể thực hiện.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp theo đề nghị từ Mỹ, Anh, Pháp - các nước cho rằng các UAV tự sát mà Nga sử dụng trong thời gian qua ở Ukraine là do Iran sản xuất. Phương Tây cáo buộc việc Nga dùng các UAV nói trên là vi phạm nghị quyết năm 2015 - vốn là tiền đề dẫn tới thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Iran có nghĩa vụ không xuất khẩu những vũ khí này. Là một thành viên của Liên hợp quốc, Iran có trách nhiệm không ủng hộ cuộc chiến của Nga", Phó đại sứ Anh tại LHQ James Kariuki cho biết.

Cả Iran và Nga đều bác bỏ cáo buộc nói trên. Moscow tuyên bố họ chỉ dùng UAV nội địa trong chiến dịch quân sự.

"Chúng tôi có ngành công nghiệp máy bay không người lái sản xuất những thứ chúng tôi cần cho chiến dịch này và tất cả những cáo buộc này hoàn toàn dựa trên cảm tính của các đồng nghiệp phương Tây", ông Polyansky tuyên bố.

Ukraine trong tuần này đã mời chuyên gia Liên Hợp Quốc tới điều tra các UAV bị bắn rơi. Ông Guterres thường báo cáo hai lần một năm lên Hội đồng Bảo an về việc thực thi nghị quyết năm 2015.

"Về vấn đề chính sách, chúng tôi luôn sẵn sàng kiểm tra và phân tích bất kỳ thông tin nào do các nước thành viên cung cấp", phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói.

Cả Nga và Iran đều cho rằng, ông Guterres không có nhiệm vụ cử các chuyên gia tới Ukraine để kiểm tra các UAV.  

Trong một bức thư gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani cho biết, việc Ukraine mời các chuyên gia là "thiếu nền tảng pháp lý" và kêu gọi ông Guterres "ngăn chặn mọi hành vi lạm dụng" nghị quyết và các quan chức Liên Hợp Quốc về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến Ukraine.

Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Nicolas de Riviere cho hay, ông Guterres có "nhiệm vụ rõ ràng hai lần một năm để báo cáo về tất cả những điều này (liên quan tới nghị quyết 2015) và đưa ra các đánh giá kỹ thuật".

Theo nghị quyết năm 2015, một lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran được áp dụng cho đến tháng 10/2020. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây cho rằng nghị quyết vẫn bao gồm các hạn chế đối với tên lửa và các công nghệ liên quan cho đến tháng 10/2023 và có thể bao gồm việc xuất khẩu và mua các hệ thống quân sự tiên tiến.

Theo Reuters, Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine