Ukraine mời chuyên gia Liên hợp quốc kiểm tra UAV "xuất xứ Iran"
(Dân trí) - Ukraine ngày 18/10 cho biết đã mời các chuyên gia của Liên hợp quốc đến để kiểm tra những gì họ cho là máy bay không người lái (UAV) có nguồn gốc từ Iran được Nga sử dụng tại chiến sự.
Chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga sử dụng các UAV tự sát được Iran cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Ukraine vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Reuters dẫn một nguồn tin thân cận cho biết.
Trong ngày 18/10, Nga đã phóng hàng chục UAV tự sát vào các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine. Ukraine cho rằng chúng là UAV tấn công Shahed-136 do Iran sản xuất.
Iran hoàn toàn bác bỏ cáo buộc trên. Trong khi đó, người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Điện Kremlin không có thông tin về việc Nga mua UAV của Iran và vấn đề này cần được chuyển cho Bộ Quốc phòng. Ông khẳng định Nga sử dụng UAV sản xuất trong nước.
Trước những diễn biến này, các nguồn tin cho biết, Kiev đã mời các chuyên gia Liên hợp quốc vào cuộc.
"Chúng tôi muốn mời các chuyên gia Liên hợp quốc đến Ukraine trong thời gian sớm nhất có thể để kiểm tra các UAV có nguồn gốc Iran nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", đại diện của Ukraine tại Liên hợp quốc cho biết trong một bức thư gửi tới các thành viên Hội đồng hôm 18/10.
Nội dung bức thư cũng nêu rõ, vào cuối tháng 8, các UAV dòng Shahed và Mohajer đã được Iran chuyển giao cho Nga, vụ việc mà Ukraine và các cường quốc phương Tây cho là vi phạm Nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc.
Theo Hiệp ước hạt nhân lịch sử giữa Iran và 6 cường quốc P5+1, Tehran bị hạn chế hoạt động làm giàu uranium để không phát triển vũ khí hạt nhân mang tính hủy diệt. Nhưng đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Một lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran có hiệu lực đến tháng 10/2020. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018 để gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an đã bác bỏ, cho phép Iran để tiếp tục xuất khẩu vũ khí.
Ukraine và Mỹ lại cho rằng, nghị quyết vẫn bao gồm các hạn chế đối với tên lửa và các công nghệ liên quan kéo dài đến tháng 10/2023 và có thể bao gồm việc xuất khẩu và mua các hệ thống quân sự tiên tiến như UAV.
Trong bức thư gửi Liên hợp quốc, Ukraine cho hay, cả UAV Mohajer và Shahed đều đáp ứng các thông số quy định của nghị quyết 2231 "vì chúng có khả năng đạt tầm bắn bằng hoặc lớn hơn 300km".