Nga đẩy mạnh sử dụng UAV tự sát trong chiến sự tại Ukraine
(Dân trí) - Việc Nga sử dụng ngày càng nhiều máy bay không người lái (UAV) tự sát tại Ukraine phơi bày cả điểm mạnh và điểm yếu của cả Moscow lẫn Kiev
Các vụ tấn công bằng UAV tự sát vào sáng 17/10 nhằm vào trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine đã đánh dấu lần tập kích trên không mới nhất của Nga trong cuộc xung đột này.
Đây là cuộc tấn công lớn thứ hai vào Kiev trong một tuần qua. Hôm 10/7, để đáp trả vụ tấn công ở cầu eo biển Kerch (hay còn gọi là cầu Crimea) nối với bán đảo Crimea, Nga đã mở hàng một loạt các cuộc tấn công tên lửa và UAV nhằm vào Kiev và các thành phố lớn khác.
Hôm 13/10, Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố đoạn video về các cuộc tấn công của UAV Lancet nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine.
UAV Lancet có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km, trọng lượng cất cánh tối đa 12kg (gồm cả thuốc nổ). Khác với tên lửa, UAV tự sát có thể bay trên không nhiều giờ đồng hồ để khóa mục tiêu. Chúng được gọi là UAV tự sát vì được sử dụng một lần duy nhất nhưng nó có thể gây sát thương lớn đối với bộ binh hoặc xe thiết giáp.
Kiev cho hay, các UAV tự sát Shahed-136 do Iran sản xuất được cho là lần đầu xuất hiện trong cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 9. Và mặc dù được mô tả là UAV tự sát, chúng được xem chỉ là tên lửa hành trình nhỏ với sức công phá tương đối hạn chế với trọng tải 50kg.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dẫn thông tin cho biết, Nga đã mua 2.400 UAV loại này, một con số nghe có vẻ lớn, nhưng số lượng đang cạn kiệt nhanh chóng.
Justin Bronk, một nhà phân tích hàng không của tổ chức nghiên cứu Rusi tại Anh cho rằng, UAV "rất khó bị đánh chặn liên tục", nhưng tốc độ bay chậm hơn so với tên lửa hành trình khiến nó có nguy cơ bị phòng không Ukraine ngăn chặn dễ dàng hơn.
Và sự tàn phá của loạt tấn công mới nhất của Nga lần này đã cho thấy những hạn chế trong khả năng phòng không của Kiev.
Mỹ đã phản ứng bằng cách cam kết rõ ràng về việc sẽ xúc tiến chuyển giao 2 trong số 8 hệ thống phòng không Nasams cho Ukraine. Mỹ tin rằng đây là loại vũ khí được cho là đủ tốt để giúp ích cho Kiev.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng UAV sát thủ cũng chứng tỏ rằng Nga đang thiếu tên lửa dẫn đường. Các quan chức phương Tây hôm 14/10 đã nhất trí với đánh giá của Ukraine rằng, Moscow đã sử dụng hết 2/3 kho tên lửa dự trữ và chỉ còn lại 124 trong số 900 tên lửa Iskander tầm trung.
"Chúng tôi nghĩ điều đó là đúng, mặc dù không thể xác minh những kết luận như vậy", một chuyên gia nhận định.
Thực tế là việc sử dụng các UAV như Shahed-136 nhắm vào các mục tiêu tĩnh hiệu quả hơn so với tấn công trên bộ.
Chuyên gia Jamie Binnie từ Công ty Phân tích Quốc phòng Jane's của Anh cho rằng loại vũ khí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến của cuộc xung đột. Tuy nhiên, một sĩ quan Ukraine tiết lộ với trang tin Politico của Mỹ rằng điểm cốt yếu là chúng rất khó bị phát hiện bằng radar.
Các loại UAV Nga có thể sử dụng ở Ukraine
Theo các nguồn tin, ngoài các mẫu tự sản xuất trong nước đã được "điểm mặt" trước đây, các UAV mà Nga sử dụng ở Ukraine trong loạt tấn công mới nhất đều là các mẫu do nước ngoài sản xuất.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Sở chỉ huy không quân Ukraine cho biết: "Vào rạng sáng 2/10, đối phương đã sử dụng 7 chiếc UAV tự sát Shahed-136 để tấn công vào một số khu vực thuộc tỉnh Mykolaiv".
Theo phía Ukraine, trong những ngày qua, Nga đã sử dụng UAV tự sát của Iran để tấn công thủ đô Kiev.
Mỹ cũng dẫn thông tin tình báo cho thấy Nga đang tìm cách mua UAV của Iran để sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lý do là vì các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga gặp nhiều khó khăn trong việc mua các linh kiện quan trọng.
Theo các nguồn tin phương Tây, Nga đã mua UAV Qods Mohajer-6 của Iran. Mẫu UCAV này có thể mang lượng chất nổ lên tới 40kg với tốc độ lên tới 200 km/h. Ngoài ra, Nga cũng được cho là đã mua UAV tự sát HESA Shahed 136 nhỏ hơn, có phạm vi hoạt động lên tới 2.500km.
Tuy nhiên, Iran kiên quyết phủ nhận cáo buộc cung cấp UAV cho Nga.
Mọi nghi ngờ tiếp tục dồn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nguồn tin, cách đây vài tháng, Nga bày tỏ quan tâm đến việc mua UAV chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên nhà sản xuất Bayraktar sau đó tuyên bố sẽ không bán UAV cho Nga. Ông Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Dù họ có trả bao nhiêu tiền đi chăng nữa, việc cung cấp UAV cho họ trong tình huống này là điều không thể".
Cũng có nhiều đồn đoán về việc Nga sử dụng UAV do Israel sản xuất như UAV Forpost-R kể từ giai đoạn đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Tel Aviv cũng bác bỏ.