Hungary: Trừng phạt Nga thất bại, EU có thể sẽ sớm nới lỏng cấm vận
(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Hungary - quốc gia thành viên EU - cho rằng các lệnh trừng phạt của liên minh đã không thành công trong việc tác động tới Nga và khối có thể sẽ sớm nới lỏng cấm vận Moscow.
Quốc vụ khanh của Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary Tamas Menczer dự đoán với kênh truyền hình M1 rằng, EU có thể sẽ xem xét lại các lệnh trừng phạt Nga và nới lỏng một số biện pháp vào mùa thu năm nay.
Theo quan chức trên, các lệnh cấm vận nhằm đối phó với việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã không thể khiến Moscow thay đổi con đường họ đã chọn. Mặt khác, ông Menczer nhận định, các đòn trừng phạt thậm chí còn mang lại lợi ích cho Nga khi làm gia tăng doanh thu cho Moscow trong lĩnh vực năng lượng nhờ giá dầu và khí đốt tăng phi mã trong hơn nửa năm qua. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu - bên ban hành lệnh trừng phạt - lại đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng.
Quan chức Hungary cho biết, các nước châu Âu đang đối diện với thực tế này và đây là lý do vì sao ông tin, các lệnh trừng phạt Nga không sớm thì muộn cũng sẽ được nới lỏng. EU dự kiến sẽ họp bàn để xem xét lệnh trừng phạt Nga vào cuối mùa thu, theo RT.
Hungary từ lâu đã chỉ trích nỗ lực của EU trong nỗ lực "cai" năng lượng của Nga vì nước này phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Moscow. Ông Menczer tuyên bố nước này phản đối ý tưởng áp giá trần lên khí đốt Nga, nhận định đây là đề xuất vô lý và phi thực tế, viện dẫn lời cảnh báo của Moscow trước đó rằng họ sẽ cắt nguồn cung với những bên cố áp đặt giá năng lượng.
Trước đó, EU đã thông báo về việc đề xuất ý tưởng áp giá trần với khí đốt Nga, nhưng dường như đề xuất này không được đón nhận vì nhiều thành viên trong liên minh vẫn phụ thuộc vào Nga trong khi mùa đông lạnh giá sắp tới gần.
Hôm 11/9, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover cho rằng, EU từ đầu đã không thành công trong việc ngăn cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát bằng các biện pháp chính trị, dẫn tới kết cục hòa bình không thể được lập lại qua kênh ngoại giao.
Theo ông Kover, EU đã và đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về chính trị và kinh tế liên quan tới cách xử lý tình hình khủng hoảng ở Ukraine, và có thể bị xem là bên thất thế trong cuộc xung đột.
"EU đang hành động chống lại các lợi ích kinh tế cơ bản nhất của chính liên minh và có thể bị xem là bên thất thế, dù bất cứ bên nào có liên hệ trực tiếp với cuộc chiến tuyên bố chiến thắng", ông Kover nhận định.