Hungary nói châu Âu thất thế nghiêm trọng trong xung đột Nga-Ukraine
(Dân trí) - Quan chức cấp cao Hungary - nước thành viên EU, cho rằng châu Âu cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng khi Nga và Ukraine bùng phát xung đột trong hơn nửa năm qua.
RT đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover ngày 11/9 cho rằng, EU từ đầu đã không thành công trong việc ngăn cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát bằng các biện pháp chính trị, dẫn tới kết cục hòa bình không thể được lập lại qua kênh ngoại giao.
Theo ông Kover, EU đã và đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về chính trị và kinh tế liên quan tới cách xử lý tình hình khủng hoảng ở Ukraine, và có thể bị xem là bên thất thế trong cuộc xung đột.
"EU đang hành động chống lại các lợi ích kinh tế cơ bản nhất của chính liên minh và có thể bị xem là bên thất thế, dù bất cứ bên nào có liên hệ trực tiếp với cuộc chiến tuyên bố chiến thắng", ông Kover nhận định.
Bình luận của quan chức Hungary diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với tình hình giá khí đốt tăng phi mã, đẩy châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng dẫn tới lạm phát kỷ lục ở nhiều nước.
Giới chuyên gia cho rằng, các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đang gây tác dụng ngược vì Moscow được xem là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của châu lục này.
Hungary là thành viên EU và NATO nhưng giữ quan điểm tương đối trung lập vì phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Nước này từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và không đồng thuận với các lệnh trừng phạt năng lượng Nga mà EU đề xuất, cho rằng các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho liên minh.
Trong khi đó, dù Nga giảm sản lượng dầu và khí đốt bán ra do các lệnh cấm vận, nhưng giá cả các mặt hàng tăng vọt khiến cho Moscow vẫn thu được doanh thu lớn từ năng lượng.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Nga, doanh thu năng lượng của Nga dự báo sẽ tăng vọt trong tháng 9 lên 8,07 tỷ USD, tăng tới 6,67 tỷ USD so với tháng 8.
Hồi tháng 8, các nhà phân tích phương Tây dự đoán rằng doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 337,5 tỷ USD vào năm 2022.
Nhu cầu ngày càng tăng từ một số nền kinh tế lớn của thế giới, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc, đã thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Nga tăng mạnh trong hơn nửa năm qua.