Ông Putin tiết lộ đặc điểm siêu việt của tên lửa Oreshnik
(Dân trí) - Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, đầu đạn của hệ thống tên lửa Oreshnik có thể chịu được sức nóng tương đương với nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời.

Tên lửa đạn đạo Oreshnik là vũ khí thế hệ tiếp theo của Nga được cho là có khả năng mang nhiều đầu đạn độc lập tấn công mục tiêu (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Ngày 21/2, phát biểu tại Diễn đàn "Công nghệ Tương lai" ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đã tiết lộ một đặc điểm siêu việt của tên lửa Oreshnik mà Nga từng sử dụng để tấn công một nhà máy vũ khí của Ukraine ở Dnipro hồi cuối tháng 11 năm ngoái.
Ông Putin cho biết, đầu đạn của hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik có thể chịu được "nhiệt độ tương đương với nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời".
"Cả thế giới đang bàn tán về Oreshnik. Họ thắc mắc, tên lửa này được làm bằng vật liệu gì? Tôi xin tiết lộ rằng, nhiệt độ ở đầu đạn tương ứng với nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời", ông Putin tuyên bố trong phiên họp toàn thể của Diễn đàn "Công nghệ Tương lai" hôm 21/2.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng đó là một kỳ tích nhờ vào kết quả của quá trình nghiên cứu những vật liệu mới mang tính đột phá do các chuyên gia nước này phát triển.
Theo ông Putin, việc phát triển các hệ thống như vậy đã được lên ý tưởng từ cuối những năm 1980. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các vật liệu cần thiết để triển khai chúng vẫn chưa có sẵn.
Mặc dù vậy, Tổng thống Putin không cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan tới thành phần, tình trạng hoạt động hoặc kế hoạch triển khai đầu đạn tên lửa Oreshnik.
Việc ông Putin tuyên bố về khả năng Oreshnik có thể chịu được mức nhiệt độ khắc nghiệt như vậy đang đặt ra câu hỏi về những tiến bộ công nghệ đằng sau hệ thống này cũng như các điều kiện cụ thể mà nó có thể hoạt động.
Nếu chính xác, những đột phá công nghệ dạng này có thể tác động sâu rộng đến các hệ thống phòng thủ hiện đại và môi trường an ninh toàn cầu.
Ngày 21/11/2024, Nga lần đầu tiên đã triển khai tên lửa Oreshnik để tấn công một nhà máy vũ khí của Ukraine tại Dnipro. Hành động này được Điện Kremlin tuyên bố là để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất.
Theo các quan chức Nga, tên lửa Oreshnik được thiết kế bay ở vận tốc Mach 10 (khoảng 12.200km/h), tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
Tổng thống Putin cũng từng tuyên bố Oreshnik gần như không thể đánh chặn, kể cả bằng những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của phương Tây hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia 1 ngày 22/12 năm ngoái, ông Putin khẳng định đích thân mình đã ra lệnh triển khai tên lửa Oreshnik phù hợp với những điều kiện thực tế, đồng thời coi đây là "một cột mốc lịch sử đối với ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ Nga".