(Dân trí) - Xung đột Nga - Ukraine đang sắp bước sang năm thứ hai, tuy nhiên cuộc chiến chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết, khi triển vọng về một giải pháp hòa bình vẫn nằm ở đường chân trời.
XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE VỀ ĐÂU SAU MỘT NĂM CHIẾN SỰ KHỐC LIỆT?
Xung đột Nga - Ukraine đang sắp bước sang năm thứ hai, tuy nhiên cuộc chiến chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết, khi triển vọng về một giải pháp hòa bình vẫn nằm ở đường chân trời.
Cho đến nay, Nga và Ukraine đều không sẵn sàng đàm phán khi cả hai bên vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình. Phía Nga muốn phi "phát xít hóa" chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky và kiểm soát vùng Donbass, trong khi phía Ukraine muốn đẩy lùi hết quân Nga ra khỏi lãnh thổ của mình. Những từ ngữ còn đọng lại để miêu tả cho cuộc xung đột Ukraine trong năm 2022 là sự giằng co đổ máu.
Sau một mùa đông lạnh giá, cả hai bên đang chuẩn bị tung ra những cuộc tấn công lớn trong năm 2023, nhưng dường như cả Moscow lẫn Kiev vẫn chưa tập hợp đủ nguồn lực để có thể giáng những đòn tấn công hay phản công mang tính quyết định, có thể mang tính thay đổi cục diện chiến trường trong thời gian tới.
Kể từ khi Ukraine thực hiện cuộc phản công vào mùa thu năm ngoái giành lại một số thành phố quan trọng ở khu vực đông nam như Izyum và Kherson, trong những tháng gần đây không bên nào đạt được bước đột phá lớn, mặc dù Nga tấn công khốc liệt vào cơ sở hạ tầng Ukraine cũng như cố chiếm thành phố Bakhmut ở phía Đông Ukraine. Một thế trận bế tắc, nhưng tổn thất vẫn chưa dừng lại.
Nhiều thành phố trở thành đống đổ nát, ít nhất hàng nghìn dân thường và trẻ em Ukraine, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng và bị thương. Trong khi đó, hàng triệu người Ukraine khác buộc phải rời bỏ nhà cửa, tị nạn khắp nơi để tìm kiếm sự an toàn.
Đây là các con số vẫn được coi là đánh giá quá thấp tổn thất của cả hai bên. Dù cho hai bên đều chịu tổn thất đáng kể, không chỉ về mặt quân sự mà còn kinh tế xã hội, nhưng cơ hội chấm dứt cuộc xung đột trên bàn đàm phán là khá thấp.
Ông Jon Alterman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, cho rằng "Chắc chắn nó không có dấu hiệu sắp kết thúc… Mỗi bên đều cảm thấy rằng thời gian đang đứng về phía mình và dàn xếp vào lúc này là một sai lầm".
Ukraine hoàn toàn không thể chấp nhận một thỏa hiệp đổi lãnh thổ lấy hòa bình. Ngoài ra, phương Tây luôn thể hiện cam kết ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Còn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thỏa hiệp có thể bị coi là "mất thể diện" khi thất bại trong việc đạt được mục tiêu, tức là chiến thắng.
Tổng thống Putin đã phân bổ quá nhiều thứ vào cuộc xung đột, nên ông không dễ dàng ngồi vào bàn thương lượng nếu không thể áp đặt điều kiện của mình. Điều đó ông Zelensky không thể nào chấp nhận.
Ba kịch bản xung đột
Tương tự bất kỳ cuộc chiến quân sự kéo dài nào, cuộc xung đột Ukraine có thể tiếp tục theo 3 kịch bản chính cho năm 2023 có thể xảy ra: hòa hoãn giằng co, Ukraine thắng hoặc Nga thắng.
Có quá nhiều ẩn số để có thể đưa ra bất kỳ dự đoán chắc chắn nào về việc Ukraine và Nga sẽ như thế nào trong cuộc chiến trong thời gian tới. Ngoài ra, định nghĩa thế nào là chiến thắng trong cuộc chiến Ukraine cũng còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, sẽ có kịch bản nhiều khả năng diễn ra hơn.
Kịch bản thứ nhất, cũng là kịch bản khả dĩ nhất, là cuộc chiến sẽ không kết thúc vào năm 2023. Hai bên sẽ tiếp tục rơi vào thế giằng co ở khu vực đông nam của Ukraine. Nga có thể hy vọng giành thêm một số vùng đất ở Lugansk và Donestk, nhưng cũng hết sức khó khăn khi sự kháng cự của Ukraine vẫn còn mạnh mẽ.
Ukraine cũng không dễ dàng phản công chiếm lại hết vùng đất của họ khi mở các chiến dịch tấn công đòi hỏi nhiều chuẩn bị khó khăn hơn phòng thủ rất nhiều. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng rất khó có khả năng Ukraine có thể đẩy lùi được các lực lượng Nga trên đất Ukraine trong năm nay.
Ukraine hiện không có khả năng tổ chức một cuộc phản công quy mô lớn, đơn giản bởi vì họ thiếu các phương tiện vũ khí hạng nặng để thực hiện các cuộc tấn công bộ binh trực diện chống lại quân đội Nga, đặc biệt là xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các loại xe thiết giáp, mặc dù trong thời gian qua, các lực lượng Ukraine đã sử dụng hỏa lực gián tiếp, chẳng hạn pháo binh tầm xa và tên lửa do phương Tây viện trợ, để làm suy yếu các phòng tuyến và các kho hậu cần của Nga.
Tổng thống Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ số lượng lớn xe tăng, nhưng cho đến nay viện trợ xe tăng từ Mỹ và các quốc gia như Đức, Anh vẫn còn mang tính nhỏ giọt, chỉ đủ giúp Ukraine cầm cự hơn là mang tính chuyển biến rõ rệt.
Các cuộc tấn công chính xác của hệ thống phóng lựu tầm xa HIMARS trong thời gian qua của Ukraine vào các kho đạn dược, nhiên liệu, hậu cần của Nga đã làm suy giảm phần nào khả năng tấn công của các đơn vị pháo binh, tên lửa Nga vào các tuyến phòng thủ của Ukraine.
Tuy nhiên, phía Nga, với sự áp đảo về quân số và số lượng vũ khí, nhiều khả năng sẽ tiếp tục tấn công tổng lực nhằm tiêu hao các lực lượng Ukraine ở khu vực Bakhmut và Avdiivka, cũng như ở khu vực Svatove-Kreminna nhằm bẻ gãy tinh thần chiến đấu của lực lượng binh sĩ Ukraine.
Hai yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến việc giúp Ukraine duy trì thế giằng co trong năm 2023 là mức độ hỗ trợ quân sự bao gồm cung cấp vũ khí sát thương, cũng như việc huấn luyện binh sĩ Ukraine với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, và năng lực tác chiến cũng như chiến thuật của các lực lượng Ukraine trong khu vực đang xảy ra xung đột.
Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm ngắn, chớp nhoáng tới Kiev nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine. Cho đến nay, Ukraine đã nhận được gần 40 tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây, trong đó có khoảng 30 tỷ USD từ Mỹ.
Tháng trước, các nước NATO vừa vượt qua một trong những "lằn ranh đỏ" tự đặt ra khi cung cấp xe tăng hiện đại của Đức, Mỹ và Anh cho Ukraine, mặc dù với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, có thể đây là những bước khởi đầu cho việc NATO tiếp tục lấn tiếp các "lằn ranh đỏ" khi có thể cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraine trong năm 2023, bao gồm các máy bay chiến đấu.
Kịch bản thứ hai, là Nga sẽ chiến thắng về mặt quân sự và làm chủ hoàn toàn khu vực Donbass. Sau đó Nga sẽ nhanh chóng sáp nhập vào lãnh thổ Nga thông qua các cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực này.
Một trong những bất lợi cho Ukraine hiện nay là việc chuyển giao vũ khí chậm và chủ yếu mang tính tượng trưng từ phương Tây khiến cơ hội phản công của Ukraine ít dần đi, trong khi Nga có đủ thời gian để tập hợp lực lượng, thích nghi chiến thuật mới và huấn luyện binh sĩ mới được huy động trong năm 2022.
Ngoài ra, liên minh phương Tây do Mỹ dẫn dắt vẫn còn sự khác biệt về quan điểm trong việc lựa chọn ưu tiên hỗ trợ Ukraine vũ khí nào, cũng như quan điểm về cấm vận Nga và kết cục của cuộc chiến khiến cho Nga tin rằng phương Tây đang bị chia rẽ.
Khi nhìn vào năng lực quân sự, rõ ràng Nga vẫn chưa bung hết sức. Chỉ khoảng một nửa trong số 300.000 quân được huy động của Nga đã ở trong khu vực giao tranh và lực lượng không quân Nga vẫn còn chưa thật sự tham chiến.
Mặc dù Nga cũng chịu nhiều tổn thất trong năm 2022, nhưng khả năng chịu đựng dẻo dai của Nga khiến cho cơ hội chiến thắng của họ vẫn không bị đánh giá thấp. Ngoài ra, quân đội Nga đã có thời gian để phục hồi phần nào sau những thất bại mà họ phải gánh chịu vào mùa hè và mùa thu năm ngoái trước các cuộc phản công của Ukraine.
Tuy nhiên, chiến thắng của Nga sẽ đồng nghĩa một thất bại mang tính quyết định không chỉ đối với Ukraine, mà quan trọng hơn là đối với phương Tây và trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo.
Điều này đã thuyết phục Washington và các đồng minh phương Tây khác rằng Ukraine không được thua, do đó họ phải giúp nước này giành chiến thắng, hay ít nhất cầm cự cho đến khi một trong hai bên phải suy sụp.
Kịch bản thứ ba, là Ukraine sẽ giành chiến thắng. Mặc dù khó xảy ra hơn, nhưng thành tích chiến trường kém ấn tượng của binh lính Nga cho đến nay khiến những người ủng hộ Ukraine tin vào khả năng Ukraine có thể có những chiến thuật quân sự thích hợp để từ từ đẩy lùi binh lính Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.
Viện trợ quân sự của phương Tây sẽ phát huy tác dụng vào giữa cuối năm 2023 khi các binh lính Ukraine trở nên thuần thục với các vũ khí hiện đại mang tính chính xác cao, có thể gây ra tổn thất nặng nề cho phía Nga và đẩy binh lính Nga vào thế bị động. Điều này cũng có nghĩa sự hiện diện quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine sẽ gặp nguy hiểm thực sự, trong khi tinh thần binh sĩ Ukraine lên cao.
Bà Liana Fix tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu tư vấn chính sách nổi tiếng của Mỹ, cho rằng Nga có khả năng huy động một lượng lớn binh lính mới, nhưng họ sẽ phải được huấn luyện và cung cấp vũ khí, vốn là những nhiệm vụ mà quân đội Nga "thực sự rất tệ cho đến nay trong cuộc chiến này".
Kịch bản này không có nghĩa là cuộc chiến nhất thiết phải kết thúc với chiến thắng rõ ràng của phía Ukraine, mà khả dĩ hơn là Ukraine giành lại đa số lãnh thổ ở vùng Donbass trong khi Nga vẫn cố gắng giữ vững bán đảo Crimea.
Kịch bản chiến thắng của Ukraine cũng có thể dẫn đến nhiều e ngại cho rằng, việc mất các vùng đất mà Nga tuyên bố lãnh thổ nhiều khả năng khiến Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây cũng là kịch bản mà phương Tây lo sợ khi họ không muốn chiến tranh lan rộng hơn.
Tuy nhiên, đây cũng là e ngại của toàn bộ thế giới khi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phương Tây có thể trả đũa Nga, và đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Kịch bản khả dĩ cho cuộc chiến năm 2023 là trạng thái giằng co giữa hai bên xung đột và Ukraine có thể đạt được một số tiến triển nhất định trong việc giành lại lãnh thổ.
TS. Nguyễn Thành Trung
TS. Nguyễn Thành Trung hiện là giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chính trị học so sánh. Ông trước đây là Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQG-HCM cũng như giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS).