DMagazine

Chiến dịch "săn đạn" của phương Tây giúp Ukraine phản công

(Dân trí) - Phương Tây tin rằng, đạn dược là thứ Ukraine cần nhất hiện nay trong cuộc chiến tiêu hao với Nga. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu của Kiev là thách thức không hề nhỏ với các nước này.

CHIẾN DỊCH "SĂN ĐẠN" CỦA PHƯƠNG TÂY GIÚP UKRAINE PHẢN CÔNG

Phương Tây tin rằng, đạn dược là thứ Ukraine cần nhất hiện nay trong cuộc chiến tiêu hao với Nga. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu của Kiev là thách thức không hề nhỏ với các nước này.

CUỘC CHIẾN NGỐN ĐẠN DƯỢC

Các đồng minh của Ukraine ngày càng lo ngại về nguồn cung đạn dược đang cạn kiệt của Kiev cũng như khả năng đáp ứng của phương Tây khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang. Vì lý do này, Nhóm Liên lạc Quốc phòng về Ukraine do Mỹ dẫn đầu, gồm khoảng 50 quốc gia, đã họp trực tuyến vào ngày 22/3 để thảo luận cách đảm bảo cho quân đội Ukraine có đủ đạn dược cần thiết.

Giới chức phương Tây đã cảnh báo về vấn đề này suốt nhiều tháng. Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Mức tiêu thụ đạn dược của Ukraine cao hơn nhiều lần so với mức sản xuất hiện tại của chúng ta. Điều này đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta vào tình trạng căng thẳng".

Để viện trợ đạn dược cho Kiev, Mỹ và các đồng minh buộc phải đánh đổi bằng việc chấp nhận kho dự trữ cạn kiệt. Trevor Taylor, giáo sư tại Đại học Cranfield ở Anh, người đứng đầu một chương trình nghiên cứu về quốc phòng và quân sự, cho biết: "Họ phải tính xem họ sẵn sàng hy sinh nguồn dự trữ và khả năng phòng thủ của mình đến mức nào để giúp Ukraine".

Chiến dịch săn đạn của phương Tây giúp Ukraine phản công - 1

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell (Ảnh: AFP).

Bất chấp những lo ngại này, các quan chức phương Tây đang kêu gọi viện trợ nhiều hơn cho Ukraine. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tháng trước nói rằng: "Nếu chúng ta thất bại trong việc đó, thực sự, kết quả của cuộc xung đột sẽ rất nguy hiểm".

Theo ông, các lực lượng Nga đã bắn khoảng 50.000 phát đạn mỗi ngày, trong khi Ukraine sử dụng 6.000-7.000 quả đạn pháo/ngày, tương đương lượng đạn pháo một số quốc gia châu Âu đặt mua trong cả một năm. Mức tiêu thụ đạn của Ukraine tăng vọt kể từ khi họ mở các đợt phản công cuối tháng 8 năm ngoái, thậm chí sẽ cần nhiều hơn nữa cho cuộc phản công dự kiến vào mùa xuân này.

Theo các chuyên gia, mối nguy hiểm đối với Ukraine không phải là họ sẽ hết đạn dược, mà là nguồn cung cấp của họ sẽ bị giảm xuống mức có thể hạn chế khả năng tiếp cận của họ trên chiến trường.

Mark F. Cancian, một cựu quan chức Thủy quân lục chiến Mỹ và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: "Quân đội của các nước không hết đạn dược, chỉ là nguồn cung cấp đạn dược sẽ giảm xuống, và khi đó, quân đội Ukraine phải lựa chọn khai hỏa vào mục tiêu có mức độ ưu tiên cao hơn".

Các chuyên gia lưu ý rằng, mặc dù xe tăng, tên lửa và phương tiện chiến đấu là chìa khóa giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga, song đạn dược thiết yếu cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn.

Ông Williams nói: "Đây thực sự là một cuộc chiến tiêu hao với tiền tuyến không thay đổi quá nhiều. Với kiểu chiến đấu thế này, hai bên sẽ ngày càng lún sâu vào giao tranh, và từ đó kéo theo sự thiếu hụt rất lớn về đạn dược".

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết các đồng minh đã thảo luận việc Kiev đề nghị viện trợ máy bay chiến đấu, nhưng trọng tâm chính của khối là đảm bảo số lượng vũ khí cần thiết được chuyển tới Ukraine đúng thời hạn và các đồng minh thực hiện tốt các cam kết đã đưa ra về pháo hạng nặng và xe bọc thép. Ông lưu ý thêm rằng, một số đơn đặt hàng ký kết hôm nay nhưng phải 2-3 năm sau mới bàn giao.

"Rõ ràng chúng ta đang trong cuộc đua về hậu cần. Các năng lực chính như đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng thay thế phải đến được Ukraine trước khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Nếu không có đạn pháo thì hàng trăm xe tăng và xe bọc thép mới mà phương Tây đang gửi sang Ukraine sẽ chỉ có tác dụng hạn chế. Ông Josep Borrell cũng cảnh báo: "Nếu chúng ta thất bại trong việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất đạn dược thì châu Âu sẽ đối mặt với những nguy hiểm khó lường từ kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine".

CHIẾN DỊCH "SĂN ĐẠN"

Chiến dịch săn đạn của phương Tây giúp Ukraine phản công - 2

Quân nhân Mỹ kiểm tra lô đạn dược chuẩn bị gửi cho Ukraine hồi tháng 4/2022 (Ảnh: AP).

Đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 triệu quả đạn 155mm, loại đạn pháo tiêu chuẩn của NATO. Số đạn này chủ yếu được rút ra từ các kho dự trữ. Do một số đồng minh không muốn hoặc không thể cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine, quân đội Mỹ đã rút nguồn dự trữ ở một số địa điểm, bao gồm cả ở Israel, Hàn Quốc, Đức và Kuwait. Điều này khiến mức độ dự trữ của Washington xuống rất thấp. Quân đội Mỹ đang có kế hoạch tăng tốc độ sản xuất từ mức hiện tại khoảng 14.000 quả đạn pháo mỗi tháng lên 20.000 quả vào mùa xuân này và lên tới 90.000 quả vào năm 2025.

Trong khi đó, các quốc gia ở Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng khoảng 350.000 quả đạn pháo 155mm.

Ngày 20/3, các ngoại trưởng của 17 quốc gia Liên minh châu (EU) và Na Uy đã nhất trí với sáng kiến hỗ trợ đạn dược cho Ukraine trị giá 2 tỷ euro nhằm đảm bảo hỗ trợ 1 triệu đạn pháo cho Ukraine trong 12 tháng tới, đồng thời bổ sung thêm vũ khí cho kho dự trữ của EU.

"Hôm nay, chúng ta tiến thêm một bước. Chúng tôi đang thực hiện lời hứa cung cấp thêm đạn pháo cho Ukraine. Với chữ ký ngày hôm nay, 18 quốc gia đã đăng ký để tổng hợp các đơn đặt hàng thông qua Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA). Bằng cách cùng nhau mua sắm thông qua khuôn khổ EDA và huy động hỗ trợ tài chính từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều hơn và nhanh hơn. Chúng tôi một lần nữa phá vỡ điều cấm kỵ và mở ra tiềm năng hợp tác của EU trong việc mua sắm chung", ông Josep Borrell thông báo sau cuộc họp.

Cụ thể, phần đầu tiên của kế hoạch cam kết khoản tài trợ chung trị giá 1 tỷ euro, đặt mục tiêu bàn giao đạn pháo vào cuối tháng 5 và các hợp đồng chung được ký kết vào đầu tháng 9. Trong khi phần thứ 2 bao gồm khoản chi tiêu 1 tỷ euro nhằm cung cấp đạn pháo 155 mm cho Ukraine.

Ý tưởng mua chung đạn dược giống như mua chung vaccine Covid-19 được các quốc gia phương Tây đưa ra sau khi họ nhận ra rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ còn kéo dài.

Theo cơ chế này, thay vì để mỗi quốc gia đàm phán thỏa thuận mua đạn dược của riêng mình, EU sẽ đưa ra một hợp đồng duy nhất cho tất cả các quốc gia quan tâm, giúp giảm giá mỗi viên đạn và cho phép các công ty đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thời chiến. Đạn dược trước tiên sẽ đến Ukraine. Tuy nhiên, các đơn hàng sau này cũng có thể được chuyển đến các nước EU cần bổ sung kho dự trữ của chính họ.

Giới chuyên gia cho rằng, sáng kiến mua chung đạn dược này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo động lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.

BÀI TOÁN ĐẦY THÁCH THỨC

Chiến dịch săn đạn của phương Tây giúp Ukraine phản công - 3

Để đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine không hề dễ dàng (Ảnh: Reuters).

Tuy đã đạt được đồng thuận về kế hoạch mua chung đạn dược, song các quan chức châu Âu cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa ra các chi tiết như việc triển khai gói tài trợ như thế nào và ai sẽ đi đầu trong việc đàm phán ký kết hợp đồng với các công ty vũ khí.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại rằng kế hoạch mua chung của EU sẽ gặp khó do bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên quan đến nguồn tài chính và kế hoạch chi trả.

Theo thỏa thuận, EDA sẽ đóng vai trò là ngân hàng thanh toán và giao dịch cho dự án mua chung. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, cơ quan này mới chỉ thành lập từ năm 2004 với quy mô hạn chế 171 nhân sự nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên, nên có rất ít kinh nghiệm trong việc quản lý những hợp đồng phức tạp như vậy. Thậm chí, một quan chức Đức giấu tên nói rằng, EDA thực chất là một cơ quan nghiên cứu, phân tích hơn là một đơn vị có thể đảm nhiệm mua sắm quốc phòng.

Giám đốc điều hành EDA Jiri Sedivy đề xuất cơ chế song song, nghĩa là một số nước mua đạn dược qua EDA, số khác tự chủ động đàm phán hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, cách tiếp cận kép đó có nguy cơ làm mất đi hiệu quả kinh tế theo quy mô và có thể dẫn đến cuộc chiến tranh giành các nguồn lực khan hiếm giữa EU và thành viên lớn nhất của họ.

Thách thức lớn nhất là ngành quốc phòng châu Âu không được chuẩn bị cho kịch bản chiến sự quy mô lớn. Việc mở rộng quy mô đòi hỏi thời gian và nguồn lực tài chính.

"Việc ký kết các hợp đồng lớn, được hợp nhất ở cấp độ châu Âu, sẽ gửi tín hiệu thích hợp để ngành công nghiệp bắt tay vào việc. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo bàn giao sẽ diễn ra đúng thời hạn", nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu Mairead McGuinness cho biết.

Để giải quyết lo ngại trên, Cơ quan Mua sắm Quốc phòng chung của EU đã vạch ra kế hoạch chi tiết, trong đó xác định 15 nhà sản xuất ở 11 quốc gia chế tạo các loại đạn dược khác nhau để viện trợ cho Ukraine. Mặc dù vậy, với tốc độ tiêu thụ đạn dược hiện nay ở Ukraine, việc đáp ứng sẽ không dễ dàng với phương Tây.

Các cuộc tấn công lớn thường đòi hỏi một kho đạn dược khổng lồ. "Trong Thế chiến I, quân đội các bên phải dành hàng tháng để dự trữ đạn dược xung quanh một khu vực nhất định. Thông thường, họ xây dựng các tuyến đường sắt để bắt đầu vận chuyển pháo", Ian Williams, phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa của CSIS, cho biết.

Ông Williams của CSIS cho biết: "Nút thắt cổ chai lớn nhất hiện nay (trong hoạt động viện trợ đạn dược cho Ukraine) là sản xuất". Ngành công nghiệp quốc phòng thường không thể mở rộng quy mô sản xuất nhanh như vậy, bởi nó thường hoạt động để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ví dụ, ở Mỹ, các công ty tư nhân sẽ không sản xuất trừ khi có ai đó mua và ngân sách quân sự đang bị căng thẳng, bất kể quy mô lớn đến đâu, ông Williams của CSIS cho hay. Ông giải thích thêm, nhiều quốc gia sẽ chọn đầu tư vào các loại đạn dược nhẹ hơn, máy bay không người lái, phương pháp tình báo và trinh sát hoặc tên lửa. "Chúng ta không có một ngành công nghiệp quốc phòng giống thời Liên Xô, nơi chúng tôi cứ tiếp tục sản xuất đạn pháo, cho dù cần hay không", ông nói.

Người đứng đầu ngành công nghiệp EU Thierry Breton khuyến nghị khối này nên chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến nếu muốn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đạn dược và khí tài ngày càng tăng của Ukraine. "Tôi tin rằng đã đến lúc ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến để đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng của chúng ta", ông nói.

Tuy nhiên, điều đó dường như không khả thi với hầu hết các nước châu Âu khi mà kinh tế thời bình cũng đang chật vật đối phó với các cuộc khủng hoảng. Các quốc gia EU đã tránh được suy thoái kinh tế vào đầu năm nay, nhưng hiện giờ mối đe dọa về một cuộc suy thoái mới đang bao trùm khu vực khi chính phủ những nước này phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Minh Phương

Theo Politico, New York Times, Vox, The Time

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine