"Xây dựng ngân hàng đề thi để hạn chế ép buộc học thêm không chính đáng"
(Dân trí) - "Tôi kiến nghị 2 điều để hạn chế tiêu cực trong việc chạy điểm, từ đó kết quả kiểm tra đánh giá sẽ trung thực, khách quan hơn, hạn chế ép buộc học thêm không chính đáng", ý kiến của độc giả Dân trí.
Phải khẳng định việc học thêm và dạy thêm là tốt, chính đáng mà nhà nước không cấm, xã hội và gia đình khuyến khích. Cái mà xã hội và gia đình phụ huynh phản đối và lên án ở đây là những hoạt động dạy thêm tiêu cực, không trong sáng, không xuất phát từ nhu cầu thực sự và tự nguyện của người học, mà bị ép buộc bằng các thủ đoạn tinh vi dưới nhiều hình thức mà báo chí và xã hội lên án suốt thời gian qua.
Đó cũng chính là một trong những lý do ra đời Thông tư 29 của Bộ Giáo dục, nhằm chấn chỉnh và quản lý hoạt động dạy thêm một cách tích cực, hạn chế tiêu cực vì tương lai con em chúng ta, vì một xã hội tốt đẹp, văn minh, ở đó người thầy được đề cao như truyền thống của dân tộc bao đời tôn sư trọng đạo.
Vì vậy, tôi thực sự mong mọi người, mà trước hết là các thầy cô, ủng hộ và nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Thông tư và Bộ Giáo dục.
Liên quan đến việc chống các hành vi ép buộc trục lợi trong dạy thêm - học thêm, cũng như bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay, tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và các trường, ngoài việc thực hiện tốt tinh thần Thông tư 29, trong đó có nội dung hạn chế đối tượng dạy thêm và học thêm và một số hành vi bị cấm, thì cần nghiên cứu cải tiến cách thức kiểm tra đánh giá học sinh. Việc này giúp đảm bảo khách quan, trung thực, hạn chế bệnh thành tích và hơn cả là hạn chế được "quyền lực mềm" của một số giáo viên trong việc ép buộc học sinh học thêm cũng như nhiều vấn đề khác.
Ở đây tôi xin kiến nghị 2 điều như sau: Thứ nhất, cần xây dựng ngân hàng đề thi và kiểm tra chung để sử dụng cho toàn quốc, kể cả kiểm tra thường xuyên hay định kỳ như 15 phút hay một tiết, học kỳ...
Theo đó, đến kỳ kiểm tra đánh giá, bộ phận giáo vụ sẽ rút đề kiểm tra ngẫu nhiên trước kỳ kiểm tra, có sự giám sát của cán bộ giám thị hoặc giáo viên. Không sử dụng điểm kiểm tra miệng trong đánh giá xếp loại kết quả học tập của học sinh.
Thứ hai, tổ chức tách biệt khâu dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Theo đó, người dạy chỉ tập trung vào việc lên lớp giảng bài, còn khâu kiểm tra đánh giá và quản lý kết quả kiểm tra do bộ phận giáo vụ thực hiện theo kế hoạch của chương trình và nhà trường. Người dạy nhận được kết quả từ giáo vụ để nắm được kết quả của người học...
Thực hiện tốt điều này đảm bảo hạn chế được tiêu cực trong việc chạy điểm, nâng điểm tùy tiện của giáo viên, qua đó kết quả kiểm tra đánh giá sẽ trung thực, khách quan hơn, đồng thời hạn chế được "quyền lực mềm" của người dạy, hạn chế ép buộc học thêm không chính đáng.
Độc giả Nguyễn Ngọc San