Kiev thừa nhận kịch bản lính phương Tây tới Ukraine là không thực tế
(Dân trí) - Kiev thừa nhận kịch bản nước ngoài đưa quân tới lãnh thổ Ukraine để gìn giữ hòa bình là điều khó thành sự thật.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak (Ảnh: Reuters).
Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, Mikhail Podoliak, cho rằng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc binh sĩ nước ngoài tới Ukraine không phải là một khả năng thực tế.
Ông Podoliak đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh RMF của Ba Lan, chỉ vài ngày sau khi một số quan chức cấp cao châu Âu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Paris.
Trước sự kiện này, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết ông "sẵn sàng và muốn" đưa binh sĩ Anh đến Ukraine để hỗ trợ đảm bảo một thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, ông Podoliak thừa nhận rằng việc triển khai binh sĩ gìn giữ hòa bình hoặc quân đội nước ngoài tới Ukraine "hiện tại không phải là kịch bản thực tế". Thay vào đó, ông đề xuất rằng châu Âu nên tăng chi tiêu quốc phòng và cùng Kiev "tập trung vào phát triển vũ khí", đồng thời tiếp tục hỗ trợ theo cách này.
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi các quan chức Nga và Mỹ gặp nhau tại Ả rập Xê út hồi đầu tuần để thảo luận về các cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng Ukraine trong tương lai. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow kiên quyết phản đối việc triển khai lực lượng NATO tới Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cũng liên tục cảnh báo rằng Moscow coi bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào của châu Âu tại Ukraine là một bước đi khiêu khích có thể làm leo thang xung đột.
Tuần tới, ông Starmer dự kiến sẽ đến Washington, nơi ông có thể sẽ trình bày với Tổng thống Mỹ Donald Trump kế hoạch triển khai 30.000 binh sĩ châu Âu tới Ukraine và tìm cách đảm bảo sự bảo vệ từ Mỹ cho hoạt động này, theo Telegraph.
Ông Starmer ngày 16/2 tuyên bố Anh sẵn sàng đóng "vai trò dẫn đầu trong việc đẩy nhanh công việc đảm bảo an ninh" cho Ukraine bằng cách triển khai quân. Ông mô tả cuộc xung đột Ukraine là "thời điểm nghìn năm có một" và là một vấn đề "sống còn" đối với châu Âu.
Hồi tháng 1, ông Zelensky tuyên bố rằng Ukraine có thể cần tới 200.000 binh sĩ châu Âu để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã bác bỏ khả năng triển khai quân đội Mỹ như một phần của các cam kết an ninh tiềm năng với Kiev. Tuy nhiên, Mỹ không loại trừ khả năng hỗ trợ hậu cần và vận tải cho lực lượng đồng minh đóng tại Ukraine.
Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, cho biết tất cả các lựa chọn vẫn đang được xem xét, vì cơ cấu lực lượng an ninh châu Âu sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo Politico, châu Âu đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự trị giá ít nhất 6 tỷ euro (6,2 tỷ USD) cho Kiev, bao gồm 1,5 triệu quả đạn pháo và các hệ thống phòng không. Gói viện trợ này có thể là một trong những khoản hỗ trợ quân sự lớn nhất của EU kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào năm 2022. Dự kiến, gói viện trợ mới sẽ được công bố trước chuyến thăm của các ủy viên EU tới Kiev vào ngày 24/2.