Dân công sở tổn thương não, suýt đột quỵ vì "nghiện việc"
(Dân trí) - Điều đáng lo ngại là những tổn thương này diễn ra âm thầm, không có triệu chứng báo trước, chỉ đến khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra, người bệnh mới giật mình nhận ra.
Não bị tổn thương, suýt đột quỵ vì "nghiện việc"
Là giám đốc tài chính của một tập đoàn lớn, anh Phong (tên nhân vật đã được thay đổi), 52 tuổi, sống tại Hà Nội luôn phải làm việc với cường độ cao, thường xuyên thức khuya, căng thẳng vì những con số.
Như bao người khác, anh vẫn nghĩ mình khỏe mạnh cho đến khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ theo yêu cầu công ty.
Kết quả khiến anh sững sờ, anh bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong phải và động mạch não giữa phải. Đây là những động mạch chính nuôi não do xơ vữa động mạch.

Động mạch xơ vữa của bệnh nhân, hình ảnh chụp MRI sẽ ngược bên khi xem (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Tình trạng này làm giảm cung cấp máu lên não khiến bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột quỵ nếu không kịp thời can thiệp. Anh Phong cho biết trước đó, anh hoàn toàn không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào thậm chí còn cảm thấy việc tập luyện thể thao đều đặn khiến anh cảm thấy cơ thể còn khỏe hơn hồi trẻ.
ThS.BS Nguyễn Tất Đạt, thành viên Hội Điện quang và Y học Hạt nhân, người trực tiếp thăm khám cho anh Phong cho biết: "Nhiều bệnh lý nguy hiểm diễn tiến âm thầm mà không có triệu chứng rõ rệt báo trước.
Đặc biệt, những người làm việc trong môi trường áp lực cao dễ bị tổn thương não bộ, do stress làm tăng huyết áp, gây biến đổi vi mô trong mạch máu".
Stress cũng khiến nhiều người hình thành thói quen sinh hoạt không lành mạnh như: ăn uống thiếu kiểm soát, tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, ít vận động gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa như mỡ máu, đái tháo đường...
Đây đều là yếu tố nguy cơ làm suy yếu thành mạch máu, hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch dẫn đến tăng khả năng bị đột quỵ.
Đáng chú ý, trường hợp của anh Phong không phải là cá biệt. Trong guồng quay áp lực của công việc hiện nay, nhiều người đang gặp những tổn thương về não bộ, mạch máu có nguy cơ đột quỵ cao mà không hề hay biết.

ThS.BS Nguyễn Tất Đạt tư vấn cho bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
BS Đạt dẫn chứng trường hợp của chị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), 38 tuổi, một nhân viên kho quỹ của ngân hàng tại Hà Nội. Vì đặc thù công việc, chị Hoa làm việc với cường độ cao, kiểm soát lượng tiền mặt từ các chi nhánh chuyển về.
Không hề có triệu chứng báo trước, nhưng khi chụp MRI sọ não, chị phát hiện có túi phình đoạn siphon động mạch cảnh trong trái kích thước 7,2mm - mức báo động (kích thước bình thường là 4-5mm).
Túi phình này có nguy cơ vỡ ra bất cứ lúc nào nhất là khi có cơn tăng huyết áp xảy ra sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ nếu không được can thiệp và kiểm soát kịp thời.
Tương tự, một nữ nhân viên ngân hàng khác chỉ mới 30 tuổi, dù không hề đau đầu hay có dấu hiệu bất thường, nhưng cũng phát hiện túi phình đoạn siphon động mạch cảnh trong kích thước 10mm, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ bất cứ lúc nào.
Trong những trường hợp nguy hiểm như trên, bác sĩ đã chỉ định các phương pháp can thiệp kịp thời. Hai bệnh nhân có túi phình động mạch não đã được đặt stent chuyển hướng dòng chảy để tránh nguy cơ vỡ mạch.
Anh Phong, người bị mất tín hiệu động mạch cảnh trong phải, được tư vấn thực hiện can thiệp nong mạch để cải thiện lưu lượng máu lên não.
Bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên sâu, thay đổi lối sống cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Các bệnh nhân được khuyến cáo thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động, tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần và kiểm soát căng thẳng để ngăn chặn sự hình thành và tiến triển của bệnh.
Stress - "Sát thủ thầm lặng" của não bộ
Theo BS Đạt, nhiều nghiên cứu cho thấy, căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch và thoái hóa thần kinh. Điều đáng lo ngại là những tổn thương này diễn ra âm thầm, không có triệu chứng báo trước, chỉ đến khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra, người bệnh mới giật mình nhận ra.

Stress có thể gây tổn thương não một cách âm thầm (Ảnh: Getty).
Chuyên gia này dẫn chứng một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tâm thần Hoa Kỳ (American Journal of Psychiatry), những người làm việc trong môi trường căng thẳng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn 45% so với người có công việc ít áp lực hơn.
Đặc biệt, tình trạng căng thẳng mãn tính có thể làm tăng mức cortisol trong cơ thể, gây ra tổn thương vi mạch não dẫn đến tình trạng thoái hóa chất trắng (Myelin) làm suy giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sớm.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, chỉ khi có triệu chứng rõ rệt như đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ hoặc tê bì tay chân thì mới đáng lo ngại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những tổn thương trong não do căng thẳng và áp lực công việc có thể diễn ra trong nhiều năm mà không có bất kỳ dấu hiệu nào. Khi bệnh nhân phát hiện ra, có thể đã quá muộn để can thiệp hiệu quả.
Bảo vệ não bộ trước khi quá muộn
Căng thẳng trong công việc là điều khó tránh khỏi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe trước khi những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là những tổn thương não không có triệu chứng rõ rệt.
"Não bộ có thể âm thầm chịu tổn thương mà không phát tín hiệu cảnh báo. Chỉ khi xảy ra các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ hoặc nhồi máu não thì khi ấy việc điều trị và hồi phục mới trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí để lại di chứng nặng nề suốt đời", BS Đạt thông tin.
Chuyên gia này cho biết, y học Việt Nam ngày càng phát triển và tiếp cận gần hơn với các tiến bộ thế giới.
Nhiều thiết bị hiện đại đã được đầu tư, cùng với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán, được xem là "mắt thần y tế". Nhờ đó, bác sĩ có thể nhìn thấy những tổn thương siêu nhỏ chỉ từ 2mm, ngay cả khi chúng chưa gây ra triệu chứng nào.
Cùng với đó, thực hiện lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và kiểm soát stress không chỉ giúp bạn duy trì hiệu suất làm việc mà còn là chìa khóa để kéo dài tuổi thọ và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.