Có nên trả tiền "mua" video vi phạm giao thông?
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, cho biết sẽ đề xuất cơ chế trả tiền cho người dân để mua các hình ảnh, video vi phạm giao thông làm căn cứ phạt nguội người điều khiển phương tiện.
Theo kết quả khảo sát trên Dân trí (đến ngày 23/4), có 69% người tham gia trả lời đồng ý việc công an trả tiền cho dân để có dữ liệu xử phạt nguội. Kết quả này phần nào cho thấy người dân ủng hộ đề xuất nêu trên.
Sử dụng dữ liệu từ camera hành trình hay hình ảnh người dân cung cấp để làm căn cứ xác minh vi phạm quy định về giao thông đường bộ đã được thực hiện lâu nay, bao gồm cả nguồn tin trực tiếp và tiếp nhận thông qua các trang, nhóm trên mạng xã hội. Hiện, các nguồn thông tin này đang được cung cấp miễn phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính bảo mật đối với người quay, đăng tải hình ảnh vi phạm hoặc độ chính xác, tin cậy chưa cao, khiến cơ quan chức năng mất thời gian, nhân lực để xác minh.
Việc phát hiện, xử lý, ngăn ngừa các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ là nhiệm vụ của ngành cảnh sát giao thông. Để hỗ trợ và giảm tải cho lực lượng này, trên các tuyến đường lớn hay các trục giao thông quan trọng, hệ thống "mắt thần camera" đã được lắp đặt và phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, không phải cung đường nào cũng có lực lượng chức năng túc trực hay được lắp đặt được camera giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm. Lâu nay việc huy động nguồn thông tin từ người dân đã được thực hiện nhưng đang trên tinh thần tự nguyện, chưa có cơ chế khuyến khích.
Mua lại hình ảnh, video từ người dân để xử lý các vụ vi phạm giao thông không phải vấn đề mới, mà đã được các nước thực hiện từ nhiều năm nay. Bạn đọc Anh Văn sống ở Mỹ thông tin qua báo Dân trí, thành phố New York đã xử phạt 2,3 triệu USD đối với chủ các xe tải chạy không tải trong khoảng thời gian nhất định theo một quy định được thực hiện từ năm 2019 tới nay. Khoảng 600.000 USD trong số tiền trên được trả cho người cung cấp hình ảnh, clip phương tiện vi phạm.
Nếu đề xuất của Cục cảnh sát giao thông được thông qua, nghĩa là hình ảnh, clip vi phạm giao thông trở thành một "bằng chứng có giá trị" không chỉ với nhà chức trách mà với cả người cung cấp. Do vậy, cần phải có những quy định cụ thể về cơ chế trả phí cho bằng chứng này, bao gồm sự chính xác, tin cậy. Người cung cấp bằng chứng phải chịu trách nhiệm đối với thông tin mình cung cấp, tránh việc thông tin bị cắt ghép, dàn dựng không đúng sự thật.
Cùng với đó, nguồn kinh phí để mua hình ảnh vi phạm được lấy từ đâu và mức chi trả cho mỗi hình ảnh, clip có giá trị xử phạt cũng là vấn đề cần làm rõ.
Trong khi ủng hộ đề xuất của đại diện Cục Cảnh sát giao thông, chúng ta cần tính đến nguy cơ phát sinh tình trạng "đua nhau" ghi hình vi phạm trên đường phố. Cơ chế trả phí cho các hình ảnh, video vi phạm giao thông có thể dẫn đến nguy cơ xâm phạm hình ảnh cá nhân người khác, vì lúc đó có thể nhiều người sẽ tìm mọi cách ghi các hình ảnh vi phạm để được hưởng mức phí theo quy định.
Như vậy, để biện pháp "trả phí cho hình ảnh vi phạm giao thông" đảm bảo tính khả thi và nhận được sự đồng thuận xã hội, yếu tố bảo mật thông tin người cung cấp cũng như quyền hình ảnh cá nhân của người tham gia giao thông nói chung, người vi phạm giao thông nói riêng cần được tính đến và có quy định chi tiết.
Người viết đồng tình với đề xuất của lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông về việc mua hình ảnh, clip vi phạm để làm căn cứ xử phạt nguội. Vì suy cho cùng, đây là một trong những biện pháp góp phần đảm bảo an toàn, trật tự giao thông, khiến các tài xế ý thức cao hơn khi cầm vô lăng. Nếu anh không muốn bị người khác ghi hình và cảnh sát phạt nguội, thì phải chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông khi lưu thông trên đường.
Cơ chế trả phí cho các video vi phạm giao thông, nếu vận hành lành mạnh, là sự khuyến khích và bồi dưỡng cần thiết cho người cung cấp bằng chứng vi phạm giao thông, qua đó góp phần xây dựng ý thức tuân thủ luật pháp trong xã hội.