Tiếp cận và áp dụng tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam
Trước đây, để công bố bài báo khoa học, các nhà nghiên cứu phải trả tiền cho các tạp chí của những nhà xuất bản học thuật như Elsevier, Taylor&Francis, Nature… Chưa hết, để có thể đọc chính những bài viết của mình, họ còn phải trả một loại phí nữa, phí truy cập. Chúng được gọi là bức tường phí hai chiều. Một chiều được dựng lên để thu phí của các nhà khoa học muốn công bố công trình; chiều còn lại để thu thu phí người đọc.
Đây có thể nói là mặt trái của những đế chế nhà xuất bản học thuật quy mô toàn cầu. Nhưng mảng tối của những tập đoàn xuất bản có lợi nhuận khủng này, trớ trêu thay, lại bắt nguồn từ sự khắc nghiệt của giới hàn lâm. Sự khắc nghiệt này có thể tóm gọn trong câu khẩu hiệu: xuất bản hay diệt vong.
Để chống lại sức mạnh của các đế chế xuất bản học thuật, các nhà khoa học kêu gọi không hợp tác với các nhà xuất bản, như không tham gia bình duyệt miễn phí… Cực đoan hơn, không ít các nhà khoa học còn cổ vũ một số nền tảng lưu trữ và công bố các bài báo khoa học bất hợp pháp nhưng lại có ích cho sự phát triển của khoa học, như Sci-Hub, Internet Archive…
Quá trình đấu tranh, đàm phán giữa giới khoa học với các siêu nhà xuất bản học thuật đã dẫn tới một cái kết có hậu khi họ nhận ra rằng, các nhà khoa học, các nhà xuất bản học thuật và trường đại học là một cộng đồng học thuật không thể sống thiếu nhau.
Đó là thời điểm mà các sáng kiến, các nền tảng như Dự án Gutenberg, Mooc, Creative Commons, Open Acess (truy cập mở), Pulic Domain (miền công cộng)… được cổ vũ và phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong số các dự án trên thì nổi bật nhất là dự án Knowledge Unlatched (Mở khóa tri thức). Sau 10 năm, dự án này đã đạt những thành tựu đáng nể: 4.000 cuốn sách học thuật được truy cập mở; 50% các công trình đăng trên các tạp chí học thuật được truy cập mở dưới dạng này hay dạng khác.
Và điều quan trọng nhất, mô hình kinh doanh truyền thống của các siêu nhà xuất bản học thuật phải thay đổi: từ mô hình phải trả tiền để công bố và truy cập nội dung tiến tới người đọc không phải trả tiền để đọc hoặc tải xuống.
Giờ đây, chúng ta không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, đọc hoặc tải xuống các bài báo trên các nền tảng như ResearchGate, Academia…
Giờ đây, chúng ta chứng kiến những nỗ lực không ngừng của các siêu nhà xuất học thuật để thúc đẩy cho giáo dục và khoa học mở. Ví dụ, Nhà xuất bản Cambridge cam kết đến 2025 sẽ áp dụng truy cập mở hoàn toàn 400 tạp chí.
Nhà xuất bản Taylor&Francis cam kết thúc đẩy truy cập mở ở Anh (Nxb này xuất bản 2.700 tạp chí và 8.000 cuốn sách học thuật mỗi năm).
Tạp chí Nature cung cấp truy cập mở miễn phí cho các nhà nghiên cứu đến từ những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Springer Nature ký ghi nhớ truy cập mở với 10 trường Đại học của Nhật; với Đại học tự trị quốc gia Mexico.
Nhà xuất bản Sage đã ký biên bản ghi nhớ với ResearchGate để hơn 100 tạp chí của Sage được truy cập mở trên nền tảng của ResearchGate, mà chúng ta biết rằng nền tảng này là nơi "sinh hoạt" của 25 triệu nhà nghiên cứu, 49 triệu người dùng với 342 triệu lượt xem/tháng trải dài trên 193 quốc gia.
Các nhà xuất bản như Springer Nature, Wiley, Elservier đã triển khai Projekt DEAL để 1.000 viện nghiên cứu ở Đức có thể truy cập mở và tiến tới truy cập mở hoàn toàn.
Thậm chí, để thúc đẩy Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, Nhà xuất bản Frontiers đã công bố Hiến chương Khoa học mở tại COP28 vừa diễn ra ở Dubai tháng 11/2023.
Từ giáo dục và khoa học "đóng" đến giáo dục và khoa học mở là quá trình dân chủ, bởi nó giúp độc giả tiếp cận thông tin nhanh hơn, nhiều hơn; và quyền tiếp cận thông tin khoa học sẽ giúp công chúng tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực học thuật - vốn là những tháp ngà chỉ dành riêng cho giới hàn lâm.
Nhưng, quá trình này cũng gặp một số thách thức như vấn đề bản quyền, liêm chính, xung đột lợi ích và chuyển đổi mô hình kinh doanh của các nhà xuất bản và của chính các định chế đại học.
Tuy nhiên, lợi ích mà giáo dục và khoa học mở đem lại là vô cùng lớn lao, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Câu hỏi cần thảo luận là làm thế nào để các nhà khoa học, các trường đại học, sinh viên Việt Nam tiếp cận, áp dụng được giáo dục và khoa học mở?
Phải thành thật mà thừa nhận rằng, tài nguyên mở trong các trường đại học ở Việt Nam rất nghèo nàn. Sự nghèo nàn về tài nguyên mở đến từ sự chậm trễ trong việc số hóa tài liệu, giáo trình; đến từ việc khai thác dữ liệu, thông tin, tri thức từ miền công cộng; đến từ nền tảng hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ chưa được đầu tư tương xứng; đến từ nhận thức về giáo dục và khoa học mở của các cơ quan hữu quan; và đến từ các văn bản pháp luật thiều đồng bộ, như Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật xuất bản, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thư viện…
Trước tình trạng trên, ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Ví dụ, trong giai đoạn 2023-2026, một trường đại học phải có trên 300 giáo trình, tài liệu giảng dạy được đưa lên cổng truy cập tài nguyên mở; giai đoạn 2027-2030 là trên 600 giáo trình, tài liệu giảng dạy.
Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học có thể lấy kinh phí từ nguồn ngân sách, nguồn thu hợp pháp của trường và nguồn huy động từ xã hội hóa.
Quyết định 1117 của Thủ tướng Chính phủ mang tính định hướng, còn để tiếp cận và áp dụng giáo dục và khoa học mở vào thực tiễn thì cần sự chủ động và linh hoạt của các trường đại học.
Bản thân chúng tôi, các nhà khoa học trẻ làm việc trong lĩnh vực giáo dục Đại học và Xuất bản, vừa công bố ấn phẩm "Giáo dục và khoa học mở: Cẩm nang hướng dẫn dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu", giới thiệu cặn kẽ nội dung liên quan và các bước áp dụng trong công việc hàng ngày cho bất cứ ai quan tâm.
Thiết nghĩ, việc áp dụng đều đặn, bài bản các kho dữ liệu sẵn có của giáo dục mở và khoa học mở trên thế giới, cũng như bắt tay vào xây dựng tài nguyên giáo dục mở trong nước, là một trong những giải pháp giúp Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển về tiếp cận các tài liệu chuyên môn chất lượng.
Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!