Tâm điểm
Trình Phương Quân

Tiếng thở dài ở Đà Lạt

Chiều chạng vạng, tôi bỗng thấy Đà Lạt như một bức tranh bị xé đôi. Mặt đường nhựa đen bóng, dưới chân là những khối bê tông mới tinh, còn trên cao là dãy khối hộp kính xanh rờn chắn ngang tầm mắt. Biết tôi là kiến trúc sư, một cụ già chạy xe lôi chậm rãi chỉ tay về phía những tòa cao ốc đang mọc lên như nấm: "Chỗ này hồi xưa toàn rừng thông. Giờ xây như thành phố hết, chú ơi!". Câu nói của cụ, lẫn trong tiếng gió hú, nghe như tiếng thở dài.

Câu chuyện của cụ già không chỉ là một dải ký ức mờ nhạt, mà còn phần nào cho thấy một Đà Lạt hôm nay đang vật lộn giữa cơn lốc đô thị hóa và du lịch. Năm 2023, thành phố này đón gần 7 triệu lượt khách - con số gấp đôi năm trước, và chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2024 đã đạt tới 6,5 triệu. Dân số hiện tại khoảng 260.000 người, theo quy hoạch, đến năm 2030 dự kiến tăng lên khoảng 700.000 - 750.000 người.

Tiếng thở dài ở Đà Lạt - 1

Một góc Đà Lạt (Ảnh chụp bởi Trung Thi, Đặng Dương vào tháng 7/2023).

Kiến trúc Đà Lạt đang chịu chung số phận. Các tòa nhà 5-10 tầng với mặt tiền kính lạnh lẽo mọc lên giữa những biệt thự Pháp cổ thấp tầng, tạo nên hỗn độn thị giác. Câu hát "Đường quanh co, quyện gốc thông già" trong bài hát quen thuộc giờ nghe như lời than thở. Những con dốc xưa - từng là nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ - giờ phủ đầy biển quảng cáo homestay. Người ta dễ dàng tìm thấy quán cà phê "sống ảo" phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng khó lòng kiếm được góc phố yên tĩnh ngắm sương rơi trên mái ngói cũ. 

Nghịch lý đáng giật mình: Đà Lạt càng xây nhiều, càng tự đánh mất gương mặt riêng, trở thành một "đô thị bản sao" giữa hàng trăm điểm đến du lịch. Những khối kính khổng lồ giữa lòng phố núi buộc người ta phải "kích hoạt" điều hòa nhiệt độ công suất lớn chỉ để chống chọi với cái nóng oi bức, thay vì cái lạnh sương mù vốn là niềm kiêu hãnh của Đà Lạt. Một nghịch lý chua chát: thành phố từng được ví như "nàng thơ ôn đới" giờ đối mặt bài toán thích nghi… với chính mình.

Chúng ta đang thực sự thiếu những quy định ràng buộc về vật liệu, chiều cao hay màu sắc theo vùng miền. Chúng ta cứ hô hào bảo tồn bản sắc, nhưng lại chẳng có một bộ khung pháp lý đủ mạnh để giữ gìn bản sắc ấy. Sâu xa hơn, có lẽ chúng ta vẫn mắc căn bệnh sính ngoại. Người ta bảo phải theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng đó là của thế giới, còn tiêu chuẩn của Việt Nam phải là chính Việt Nam.

Nhưng liệu giữ gìn hồn đô thị có phải là điều viển vông? Câu trả lời đã có từ những bài học trên thế giới.

Kyoto, cố đô của Nhật Bản, nổi tiếng với việc bảo tồn kiến trúc truyền thống và duy trì bản sắc văn hóa độc đáo. Thành phố đã chỉ định 38 khu vực cần bảo tồn và tạo ra cảnh quan phối cảnh, chia thành ba loại: không gian phối cảnh, thiết kế góc nhìn tầm ngắn và thiết kế góc nhìn tầm xa. Bất kỳ công trình xây dựng nào trong các khu vực này đều phải tuân thủ các tiêu chí nghiêm ngặt về chiều cao, hình dạng, thiết kế và màu sắc nhằm bảo vệ cảnh quan chung.

Barcelona, thành phố nổi tiếng của Tây Ban Nha, được biết đến với quy hoạch đô thị độc đáo, đặc biệt là khu Eixample. Khu vực này được quy hoạch thành các ô đất hình vuông 113 x 113m, với các tòa nhà bị giới hạn chiều cao và không được xây trên toàn bộ diện tích, nhằm tạo ra khoảng trống bên trong cho không gian xanh và ánh sáng tự nhiên. Các con đường được thiết kế rộng rãi, tối thiểu từ 20 đến 30m, chia thành hai phần: dành cho người đi bộ và phương tiện giao thông, tạo nên môi trường sống thoáng đãng và thuận tiện cho cư dân.

Vào thập niên 1960, khi chính quyền Singapore bắt đầu công cuộc tái thiết đầy tham vọng, những công trình cũ đổ sập dưới bàn tay của những cỗ máy đào móng. Người ta vội vã xây lên những khu đô thị mới, tưởng chừng lịch sử sẽ bị chôn vùi dưới lớp bê tông của sự tiến bộ. Nhưng đến những năm 1980, chính những người cầm quyền sáng suốt đã giật mình nhận ra: Một thành phố thiếu ký ức sẽ trở thành "bức tranh không hồn". Từ đây, hành trình tìm lại những mảnh ghép di sản bắt đầu.

Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) trở thành người nhạc trưởng của bản giao hưởng này. Họ không chỉ vạch ra những tuyến metro hay quy hoạch khu tài chính, mà còn lặng lẽ phân loại, đánh dấu từng viên gạch cũ. Hơn 6.500 công trình được xếp hạng di sản, trong đó có những dãy shophouse (nhà ở kết hợp buôn bán ở mặt phố) nhỏ bé tưởng chừng đã lỗi thời. Những ngôi nhà phố này, với mái ngói đỏ rêu phong, mặt tiền hẹp mà sâu hun hút, từng là nơi giao thoa văn hóa Hoa kiều và Mã Lai, đột nhiên được khoác lên mình sứ mệnh mới: chúng phải sống.

Đến Chinatown (phố người Hoa) ở Singapore hôm nay, du khách vẫn có thể chạm tay vào bức tường vôi vàng của những shophouse cổ. Singapore quy định tỉ mỉ từ màu sơn, hoa văn trang trí đến chất liệu gỗ tái tạo, buộc chủ nhân những ngôi nhà này phải tôn trọng nguyên tắc bảo tồn. Thế nhưng, bên trong lớp vỏ cũ kỹ ấy là những quán cà phê Starbucks, phòng tranh đương đại, hay văn phòng trẻ trung của các công ty khởi nghiệp. Người ta gọi đó là tái sinh di sản bằng cách thổi vào luồng sinh khí mới.

Tiếng thở dài ở Đà Lạt - 2

Dự án Clarke Quay của Spark Architects là một kế hoạch tái phát triển nhằm nâng cao trải nghiệm không gian công cộng, kết hợp thiết kế mái che khí động học, hệ thống làm mát thụ động, cảnh quan xanh và không gian linh hoạt, tạo sự cân bằng giữa bản sắc lịch sử, tính bền vững và hiện đại hóa đô thị (Nguồn: Sparkarchitects - Đơn vị thiết kế).

Clarke Quay, khu vực một thời là trung tâm thương mại nhộn nhịp của thế kỷ 19, càng minh chứng cho sự sáng tạo không biên giới. Những nhà kho cũ kỹ ven sông Singapore được giữ lại nguyên khung gỗ, nhưng bên trong là những nhà hàng sang trọng, quầy bar sôi động. Điều thú vị là chính phủ không ngần ngại lắp đặt hệ thống mái che di động hiện đại, biến nơi đây thành không gian mở đa sắc màu. Quá khứ và hiện tại không hề đối chọi - chúng tạo nên vẻ đẹp bất ngờ.

Bí quyết thành công của Singapore không nằm ở những quy định cứng nhắc, mà ở chiến lược biến di sản thành tài sản. Khi chính phủ giảm thuế cho các chủ nhà cam kết bảo tồn, họ đã biến giá trị văn hóa thành động lực kinh tế. Clarke Quay giờ đón hàng triệu khách mỗi năm, còn những con phố shophouse trở thành điểm check-in không thể bỏ qua. Di sản không còn là gánh nặng - nó trở thành mỏ vàng du lịch, là niềm tự hào để mỗi công dân đảo quốc sư tử.

Để tránh viễn cảnh đô thị thiếu bản sắc, Việt Nam cần định hướng rõ ràng trong quản lý kiến trúc, với vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Thay vì để thị trường tự do quyết định, có thể học hỏi mô hình từ Pháp, nơi Hội đồng Kiến trúc, Quy hoạch và Môi trường (CAUE) tư vấn và giám sát thiết kế, đảm bảo sự hài hòa với văn hóa và lịch sử địa phương. Được thành lập theo luật năm 1977, CAUE hoạt động tại cấp độ tỉnh, cung cấp dịch vụ tư vấn và phản biện về thiết kế kiến trúc, quy hoạch và môi trường, đảm bảo rằng các dự án mới phù hợp với văn hóa và lịch sử địa phương.

Trong cơn lốc đô thị hóa, Á châu cuốn theo những tòa tháp nghìn tỷ, lãng quên di sản. Nhưng phát triển không có nghĩa là đánh đổi bản sắc. Giữa đô thị hào nhoáng, viên gạch cũ vẫn nhắc ta về cội nguồn. Giữ gìn quá khứ chính là cách để chúng ta bước vững vào tương lai.

Tác giả: Trình Phương Quân (Kiến trúc sư) tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Trước đó, Quân theo học ngành thiết kế bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kiến trúc TPHCM. Quân tham gia thiết kế kiến trúc, quy hoạch, đồng thời là tác giả cộng tác với nhiều tờ báo, tập trung vào các chủ đề về môi trường, thiết kế và văn hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!