Tăng lương: Vấn đề cấp thiết!
Vừa qua Ban chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về việc điều chỉnh lương cơ sở, và Chính phủ đang trình Quốc hội tăng từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng, tức tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Như vậy, sau nhiều lần "lỡ hẹn", nếu được Quốc hội thông qua, từ năm sau lương cơ sở sẽ tăng hơn 300.000 đồng/tháng. Cùng với đó, Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Thời gian qua vấn đề thu nhập của công chức, viên chức được đề cập trên nhiều diễn đàn, đặc biệt trong bối cảnh những người phải dứt áo ra đi khỏi khu vực công nhiều lên, trong đó chiếm tỷ lệ đáng kể là nhân viên y tế và thầy cô giáo. Số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy, trong hơn hai năm qua, có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người…
Cùng với việc điều chỉnh lương cơ sở nêu trên, thông điệp đáng chú ý cũng được đưa ra là các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương trong lộ trình tiếp theo. Có thể thấy việc điều chỉnh lương cơ sở lần này hay cải cách tiền lương tới đây đều đòi hỏi nguồn lực rất lớn, là sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những điều kiện cần thiết của các cơ quan chức năng khi mà đất nước vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch và bắt đầu bước vào hồi phục kinh tế.
Về phía những người được điều chỉnh tăng lương, trong đó có các nhân viên y tế và giáo viên thì đây chắc chắn là tin vui, là sự động viên, khuyến khích phần nào cho dù cuộc sống hàng ngày vẫn còn nhiều khó khăn với đồng lương eo hẹp.
Gia đình tôi vốn có truyền thống làm việc trong khu vực công, và căn cứ vào bằng cấp, tuổi đời, thâm niên, vị trí công tác thì hầu như ai cũng có thể áng chừng được mức lương của từng người. Chúng tôi luôn tự hào về công việc đang làm, bởi để thi đậu vào một vị trí viên chức hay phấn đấu có chức vụ trong cơ quan, đơn vị Nhà nước là một quá trình không dễ dàng và có nhiều cạnh tranh.
Tuy nhiên, với xã hội ngày nay, lương, thưởng nhiều khi là một yếu tố để đánh giá về sự thành công trong cuộc sống của ai đó. Và nếu với tiêu chí này thì nói một cách trung thực, không ai trong gia đình tôi cảm thấy thoải mái khi đề cập về thu nhập của mình. Thậm chí, nếu nói để "khoe" về thu nhập, lương tháng trong mối tương quan so sánh với một người có cùng trình độ làm ở khu vực tư, hầu như những người thân, người quen của tôi đều lẩn tránh. Lý do đơn giản là mức lương quá thấp.
Em tôi từng có ý định chuyển việc khi chua chát với thực tế mức lương của một thạc sĩ với rất nhiều áp lực nhưng chỉ hơn 6 triệu đồng mỗi tháng, ngang với tiền công của một người giúp việc gia đình, thậm chí lép vế so với công nhân trong khu công nghiệp.
Vậy nên, trong nhiều thời điểm, mức lương viên chức, công chức vẫn chỉ coi như "ổn định" nhưng khó trang trải cuộc sống, đúng theo nghĩa "ba cọc, ba đồng". Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi ngoài việc ở cơ quan từng phải "tăng gia" bằng cách nuôi lợn gà, trồng rau, cất rượu đi bán mới có đủ tài chính nuôi chúng tôi ăn học. Còn hiện tại, dù lương công chức, viên chức đã qua nhiều lần điều chỉnh tăng song tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều người phải "chân trong chân ngoài", nhận làm kế toán cho doanh nghiệp, bán hàng online…
Từ thực tế gia đình mình và nhìn rộng ra xã hội, tôi tin chắc rằng việc tăng lương cho công chức, viên chức và tiến tới cải cách tiền lương sẽ là động lực to lớn để "níu chân" những người có năng lực, động viên họ ở lại khu vực công và nỗ lực cống hiến. Theo đó, tăng lương chính là đầu tư cho phát triển, giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả. Nói cho cùng, dù là hoạt động ở bất cứ khu vực nào, tư nhân hay nhà nước, thì tiền lương đều phải hướng đến trả đúng, trả đủ, tương xứng với vị trí công việc và giá trị lao động.
Với một người có vị trí, chức vụ quan trọng, phải trải qua quá trình học tập, phấn đấu, rèn luyện khó khăn, vất vả mà mức lương không phân biệt, có khi lép vế so với một nhân viên bình thường trong khu vực tư, đây là điều phi lý. Buồn thay, sự phi lý ấy vẫn tồn tại như một lẽ đương nhiên!
Ở một góc độ nào đó, với cơ chế tiền lương cào bằng và duy trì thấp so với mặt bằng chung sẽ triệt tiêu động lực sáng tạo của công chức, viên chức; thậm chí có thể là một phần nguyên nhân khiến môi trường làm việc trong khu vực công trở nên kém lành mạnh, nguy cơ phát sinh nhũng nhiễu.
Mối băn khoăn để tăng lương cho đội ngũ viên chức, công chức cho đến nay vẫn là nguồn lực chi trả. Tuy vậy, như nhiều chuyên gia đã phân tích, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được khi chúng ta thực hiện tốt việc tinh giản biên chế và phát triển kinh tế.
Trước mắt, chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới là việc cần được tiến hành một cách nghiêm túc.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý, theo như đề xuất, việc tăng lương cơ sở sẽ thực hiện trong năm tới. Trong khi đó, áp lực lạm phát vẫn còn đang rình rập. Chính bởi vậy, song song với tăng lương cần phải giảm kỳ vọng lạm phát, tránh việc lương chưa tăng giá đã tăng.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!