"Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn"
(Dân trí) - "Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan sẽ phải xem xét, đề xuất việc thực hiện cải cách tiền lương"- ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều 17/10, trả lời câu hỏi về vấn đề cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về điều chỉnh mức lương cơ sở, Chính phủ đang trình Quốc hội tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh này thực hiện từ 1/7/2023, đồng thời điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 1/2023. Việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố, theo đó phải tính mức sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.
Về câu hỏi bao giờ thực hiện cải cách tiền lương sau khi tăng lương cơ sở, ông Mai nhấn mạnh việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong đề xuất, tính toán các điều kiện cần thiết.
"Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan sẽ phải xem xét, đề xuất việc thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, thách thức cũng rất lớn đó là nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch và bắt đầu bước vào hồi phục kinh tế"- ông Sơn lý giải.
Thông tin thêm với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã xác định lộ trình để cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trước tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên cán bộ, công chức, viên chức cũng phải chia sẻ, chưa tăng lương mà dành nguồn lực cho phòng, chống dịch. Bây giờ kinh tế có sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế khả quan, nên sẽ tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Cường nhận định việc này còn phụ thuộc vào thu ngân sách, nguồn lực quốc gia, và phải cân đối kỹ giữa đầu tư cho phát triển với đầu tư cho tiêu dùng, con người.
"Tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức cũng là đầu tư cho phát triển, nhưng nếu không thúc đẩy phát triển những lĩnh vực khác nữa sẽ rất khó. Vấn đề này sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét rất kỹ lưỡng"- ông Cường cho hay.
Tuần trước, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Theo đó, Trung ương cơ bản đồng ý nội dung Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền dự kiến tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tương đương 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, cơ quan trình đề xuất nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Đây sẽ là một nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp Quốc hội sẽ bắt đầu ít ngày tới, 20/10.
Như vậy, sau nhiều lần "lỡ hẹn", nếu được thông qua, từ năm sau, lương cơ sở có mức tăng đáng kể, thêm hơn 300.000 đồng/tháng. Cùng với phương án tăng lương cơ sở, Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.