Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Suy ngẫm từ những đơn thuốc "hiệu quả tức thì"

Trong khám chữa bệnh hàng ngày, nhiều người thường hỏi tôi, rằng uống thuốc gì để có tác dụng ngay lập tức. Tôi trả lời rằng chỉ có thuốc độc giết người là có tác dụng ngay tức thì.

Thỉnh thoảng tôi nhìn vào đơn thuốc, có những trẻ chỉ bị sốt virus, đáng lẽ chỉ cần thuốc hạ sốt thông thường và chờ đợi 5-7 ngày, nếu bội nhiễm thì kê thêm một loại thuốc kháng sinh đơn giản là đủ; nhưng có bác sĩ lại chọn cách kê đơn bao vây, dùng cả kháng sinh cao cấp. Điều trị như vậy chỉ 1-2 ngày là khỏi nên phụ huynh thường khen bác sĩ giỏi.

Nhưng, tương lai của những đứa trẻ sẽ như thế nào, khi mà từ bé đã lạm dụng quá nhiều thuốc. Nếu xét về hiệu quả chữa bệnh, thì đứa trẻ uống hạ sốt đơn thuần sẽ không thể bằng uống bốn năm thuốc cao cấp. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tương lai và lợi ích lâu dài của đứa trẻ, thì rõ ràng uống hạ sốt là phương án điều trị tốt hơn.

Tâm lý người bệnh thường chú ý tới hiệu quả tức thì ngay sau khi dùng thuốc. Thực tế, nhiệm vụ của người bác sĩ là sử dụng giải pháp tốt nhất để giúp bệnh nhân giải quyết vấn đề.

Xã hội ngày nay có tốc độ quá nhanh, tốc độ nhanh ấy thực sự ảnh hưởng đến công việc chăm sóc sức khỏe. Người bệnh không hiểu biết sẽ nhìn vào kết quả hiện tại để đánh giá bác sĩ. Nhưng cuộc sống là một quá trình, chúng ta không chỉ xem xét những vấn đề hiện tại, mà phải đánh giá cả trước và sau điều trị khoảng thời gian rất dài. Muốn như vậy thì người bác sĩ phải chậm lại.

Rõ ràng trong câu chuyện của tôi, có những giáo sư, tiến sĩ do bận rộn khám quá nhiều bệnh nhân, nên không đủ thời gian quan sát và trò chuyện, công việc chẩn đoán dựa tất cả vào chụp chiếu, siêu âm và xét nghiệm.

Khi mới bước chân vào đại học y, tôi nghĩ bác sĩ nào chẩn đoán chính xác bệnh, sau đó điều trị khỏi, kéo dài được cuộc sống cho bệnh nhân, thì đó là bác sĩ giỏi.

Làm bác sĩ được 5 năm, tôi mới thấy kiến thức y học quá mênh mông, học cả đời cũng chẳng biết được là bao, có rất nhiều bệnh không thể chữa khỏi đặc biệt là hệ thống y tế còn nhiều bất cập, khi đó tôi thay đổi quan niệm, một bác sĩ giỏi là có thể hiểu những gì người bệnh đang nghĩ, chia sẻ được với họ, giúp bệnh nhân giải quyết sớm và tốt nhất tình trạng bệnh tật, hạn chế tối đa những tai biến y khoa.

Mười năm sau, quan niệm của tôi lại thay đổi, rằng bác sĩ giỏi là người phải kết nối được giữa quá khứ và tương lai trong công việc của mình, tức là với người bệnh bác sĩ phải tạo ra được sợi dây nối giữa cuộc sống trước đây và sau này; còn với đồng nghiệp ít tuổi nghề hơn hoặc tuyến dưới thì mình là hình mẫu, với đàn anh thì mình khiêm tốn lịch sự. Thái độ, kiến thức, kĩ năng là những yếu tố bắt buộc với một bác sĩ giỏi. Đặc biệt, bác sĩ giỏi không bị cuốn vào đam mê tranh giành chức quyền, đam mê dùng nghề y để kiếm chác tiền bạc.

Mười lăm năm sau, thì tôi bắt đầu bối rối, khi mà xã hội quan niệm bác sĩ giỏi phải có cái biển giáo sư, tiến sĩ để trước mặt, dán trước cửa phòng "khám giáo sư - khám tiến sĩ", rồi viết vào trong đơn thuốc.

Chỗ nào tôi cũng va phải chuyên gia. Thậm chí còn là chuyên gia cao cấp. Chẳng lẽ tiêu chuẩn một bác sĩ giỏi đã thay đổi, chỉ dựa vào những danh xưng, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn.

Hai mươi năm làm bác sĩ, cuối cùng tôi cũng thoát khỏi sự hoang mang, bởi mục đích của những người theo đuổi sự nghiệp khám chữa bệnh đơn thuần, họ hành nghề không phải để tranh công danh hay tài lộc. Một số người có khả năng chính trị, thì họ rẽ sang con đường khác, làm các nhà lãnh đạo, nhà quản lí, điều đó tốt cho bản thân họ, tốt cho ngành y và cho cả xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số ít háo danh, hoặc háo tiền, họ coi nghề y là phương tiện để đạt được danh lợi và tiền tài; vấn nạn này thì ngành nào cũng có.

Bản thân tôi là bác sĩ Xquang bình thường.

Chỉ trong nháy mắt, tôi đã học y được 30 năm, bước sang tuổi 50 tóc đã bạc nhiều và bắt đầu mỏng, công việc của tôi chỉ là khám chữa bệnh. Tôi cố gắng hoàn thành phận sự của mình. Tôi chưa đạt tới mức bác sĩ giỏi. Nhưng tôi quan niệm, trước khi làm bác sĩ giỏi, thì người bác sĩ phải gần với Phật để hiểu về đức hạnh, phải sẵn sàng gần với tử thi để hiểu được nỗi đau của bệnh nhân, từ đó biết mình phải làm gì khi đứng trước mỗi ca bệnh.

Để kết thúc bài viết, tôi sử dụng câu văn bia của bác sĩ Trudeau, người được chôn cất bên bờ Hồ Saranac ở đông bắc thủ đô New York. "To cure sometimes, to relieve often, to comfort always - Để chữa lành thì đôi khi, để giảm nhẹ thì thường xuyên, để an ủi thì luôn luôn".

Tác giảBác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!