Loạt ô tô điện giá 200 triệu đồng có thể là lựa chọn thay thế xe máy xăng
(Dân trí) - Với những người có điều kiện tài chính không quá thấp nhưng chưa đủ để mua các dòng xe hơi có không gian rộng rãi, ô tô điện mini có thể là lựa chọn “đi tắt đón đầu” xu hướng chuyển đổi “xanh”.
Kể từ khi Chỉ thị 20 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các vấn đề xung quanh việc chuyển đổi từ xe máy xăng sang điện nhận được nhiều sự quan tâm của khách Việt, đặc biệt là những người đang sinh sống và làm việc trong khu vực nội đô Hà Nội.
Theo đó từ 1/7/2026, thành phố Hà Nội sẽ cấm xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1, mở rộng sang phạm vi Vành đai 2 từ 1/1/2028 đồng thời hạn chế thêm ô tô chạy xăng/dầu. Từ năm 2030 sẽ áp dụng trong toàn bộ Vành đai 3.
Như vậy, về lâu dài ô tô xăng/dầu không phải là lựa chọn di chuyển tối ưu cho người dùng. Trước mắt, với những người đang sử dụng máy xăng, thị trường đã và sắp mở bán một số mẫu ô tô điện tầm giá 200 triệu đồng, có thể trở thành lựa chọn đón đầu xu thế chuyển đổi “xanh”.
Bestune Xiaoma
Được định vị ở phân khúc ô tô điện mini, Bestune Xiaoma có thiết kế 2 cửa nhưng vẫn có cấu hình 4 chỗ ngồi. Kiểu dáng của mẫu xe này có nhiều điểm tương đồng với “đồng hương” Wuling Mini EV, nhưng thiết kế có phần mềm mại hơn.

Bestune Xiaoma có chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 3.000mm, 1.510mm và 1.630mm (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc với giá bán 199 triệu đồng. Trang bị chỉ nằm ở mức cơ bản với đèn LED định vị ban ngày, cụm đèn trước dạng halogen, ghế nỉ chỉnh cơ, không có màn hình giải trí, màn hình điện tử 7 inch sau vô-lăng, 2 loa âm thanh, phanh tay cơ.
Về khả năng vận hành, động cơ điện của Bestune Xiaoma có công suất tối đa 20kW (quy đổi khoảng 26,8 mã lực) và mô-men xoắn 85Nm, tốc độ tối đa 100km/h. Bộ pin LFP đi kèm có dung lượng 13,9kWh, cho phép di chuyển tối đa 170km sau mỗi lần sạc đầy, thời gian sạc đầy 6h bằng ổ cắm dân dụng theo tiêu chuẩn CLTC của Trung Quốc.

Một số trang bị an toàn gồm có: 1 túi khí, cảnh báo áp suất lốp, nhắc nhở thắt dây an toàn, phanh chống bó cứng ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, camera lùi (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Đại diện của doanh nghiệp Việt phân phối dòng xe này từng chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, Xiaoma sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc trong giai đoạn đầu và khi chuyển sang lắp ráp trong nước, giá bán của xe có thể hấp dẫn hơn.
Wuling Mini EV
Đây là một cái tên không còn xa lạ với khách Việt. Dù không phải là sản phẩm nổi trội, song Wuling Mini EV được biết đến là mẫu ô tô điện mini đầu tiên ra mắt Việt Nam (2023), giờ chỉ còn được phân phối với hai phiên bản Nâng cao có dung lượng pin 9,6kWh hoặc 13,9kWh, cùng giá bán 197-231 triệu đồng.

Wuling Mini EV được lắp ráp trong nước bởi TMT Motors (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Với dung lượng pin như trên, Wuling Mini EV có tầm hoạt động tối đa 120km hoặc 170km, cần 6,5-9h để sạc đầy pin với nguồn điện dân dụng. Xe sử dụng động cơ điện 20kW, có công suất 26,8 mã lực và mô-men xoắn 85Nm.
Những thông số này khá tương đồng với Bestune Xiaoma, kể cả các trang bị tiện nghi lẫn an toàn, do cả hai mẫu xe này đều nhắm tới yếu tố giá rẻ. Điểm nổi trội hơn của Wuling Mini EV nằm ở cụm đèn trước dạng LED.

Nội thất của Wuling Mini EV (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Nano S05
Theo thông báo của TMT Motors, đơn vị này sẽ ra mắt một mẫu xe điện cỡ nhỏ mới là Nano S05 vào cuối năm nay. Dòng xe này cũng có thiết kế 2 cửa hông, 1 cửa cốp như hai cái tên kể trên, nhưng chỉ có 2 chỗ ngồi; nhắm đến khách hàng cá nhân tại đô thị.
Đáng chú ý, giá bán của mẫu xe này có thể nằm trong khoảng 150 triệu đồng, theo dự đoán của giới chuyên gia. Mức giá này chỉ ngang một số dòng xe tay ga cao cấp, ví dụ như Honda SH350i (từ 151 triệu đồng) hay Yamaha XMAX 300 (140 triệu đồng).

Nano S05 dài 2.400mm, rộng 1.380mm và cao 1.580mm. Kích thước này đang nhỏ hơn đáng kể so với Wuling Mini EV (2.920 x 1.493 x 1.621mm) (Ảnh: TMT Motors).
Thông số chi tiết chưa được hé lộ nhưng theo TMT Motors, Nano S05 có hỗ trợ sạc nhanh (tại các trạm công cộng) và sạc chậm (tại nhà). Pin có thể tháo rời, chưa rõ dung lượng cụ thể nhưng đơn vị này cho biết xe có thể đi được tối đa 120-150km.
Lưu ý về vấn đề sạc
Dù có giá bán không quá cao với những người dùng xe máy xăng và có điều kiện tài chính ở mức ổn, song việc sạc điện vẫn là vấn đề cần lưu tâm. Ba mẫu xe kể trên đều có kích thước nhỏ gọn, nhưng không phải ai cũng có không gian đỗ xe tại nhà để tận dụng nguồn điện dân dụng, đặc biệt tại Hà Nội nơi có mật độ quy hoạch đô thị đông đúc.
Đã có một số đơn vị thứ 3 phát triển hệ thống trạm sạc công cộng nhưng độ phủ chưa lớn và chi phí chưa rẻ. TMT Motors đã lên kế hoạch xây dựng 30.000 trạm sạc khắp Việt Nam, nhưng doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình tìm kiếm các đối tác tiềm năng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội đang quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị, có thể kỳ vọng thành phố sẽ đẩy mạnh việc phát triển các trạm sạc, nhằm tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi "xanh".