Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Sầu riêng phát triển nóng sẽ thành… sầu chung

Hôm trước về quê, nghe mấy ông anh than vài năm trở lại đây làm ruộng lỗ nhiều quá nên hụt vốn, phải vay thêm tiền ngân hàng để tái sản xuất cho mùa sau, tôi thấy bất ngờ, vì nghề nông trước đến giờ hầu như ít rủi ro, sao đến nỗi lỗ như vậy được.

Hỏi kỹ ra mới biết mấy ông anh tôi làm nông nghiệp "ăn theo" hàng xóm. Chuyện là mấy cô chú nông dân ở quê tôi có một đặc điểm lạ lắm, hễ mùa này ai trồng một công gừng, may mắn được mùa trúng giá lời chừng trăm triệu, là năm sau cả xóm kéo nhau trồng gừng theo.

Vì trồng nhiều quá nên nguồn cung lớn hơn cầu, thương lái thấy vậy liền hạ giá thành khi thu mua, khiến cho người nông dân thua lỗ. Nhưng với tinh thần "thua keo này bày keo khác", mọi người lại nghe ngóng xem có "mô hình" nuôi trồng nào trong xóm đạt hiệu quả cao hay không. Nếu có ai đó trồng cây gì, nuôi con gì mà lời nhiều, là các nhà trong xóm lại đổ xô làm theo. Điệp khúc ấy kéo dài mấy năm nay, dĩ nhiên là thua nhiều hơn thắng.

Theo mấy ông anh ra thăm ruộng, tôi lựa lời khuyên nuôi trồng cái gì thì cũng phải tính toán xem nhu cầu của thị trường như thế nào. Phải đoán xem vài tháng sau người ta cần sản phẩm gì nhiều, mình sẽ đầu tư nuôi trồng thứ đó, đến khi thu hoạch, chắc chắn sản phẩm của mình sẽ bán được giá cao. Chớ ai cũng trồng cùng một thứ, cùng một thời điểm, mà toàn là bán lẻ hoặc bán cho các thương lái nhỏ, thì bị ép giá đến mức thua lỗ là phải rồi.

Nói xong, tôi mới thấy mình lỡ lời. Bởi anh tôi cũng giống như mấy ông nông dân trong xóm, từ nhỏ tới lớn chỉ sống bám vào ruộng vườn, làm sao biết được "hình dạng" thị trường mà dự đoán. Cái dòng chữ in trên gói thuốc bảo vệ thực vật mấy ông còn đọc sai lên sai xuống, nói gì đến chuyện phân tích xu hướng rồi nuôi trồng để thu lợi nhuận. Người nông dân trước tới giờ chỉ biết làm sao cho công ruộng mảnh vườn của họ cho năng suất thật cao, hoặc thấy ai làm cái gì trúng, bán lời nhiều là họ làm theo.

Sầu riêng phát triển nóng sẽ thành… sầu chung - 1

Nông dân Tiền Giang bên cây sầu riêng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chuyện trúng trật theo mùa âu cũng là thường tình, thua lỗ chút đỉnh thì mùa sau kiếm lại. Thế nhưng, gần đây dân miền Tây bắt đầu có xu hướng đầu tư lớn hơn. Cụ thể, nhiều nhà nông đã mạnh dạn biến mấy mẫu ruộng của mình thành vườn, nghĩa là bỏ trồng lúa để trồng cây ăn trái. Chí phí cải tạo ruộng thành vườn không hề nhỏ, có khi lên đến vài tỷ đồng. Đa phần người dân không có vốn cho việc cải tạo này, nên họ phải đi vay ngân hàng. Chuyện ruộng vườn của nhà nông không còn giản đơn nữa, mà bỗng chốc biến thành cuộc đầu tư quy mô, đương nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Vài năm qua, xu hướng chuyển đổi được nhiều người dân miền Tây quan tâm là việc bỏ lúa để trồng sầu riêng. Đơn cử theo số liệu của ngành nông nghiệp, tại tỉnh Tiền Giang, trong vòng 3 năm qua diện tích trồng sầu riêng đã tăng từ 14.500 ha lên 17.600 ha.

Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000 ha, nhưng hiện nay con số đó đã hơn 80.000 ha và tiếp tục tăng.

Không phủ nhận ở miền Tây, sầu riêng là cây tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân những năm qua. Đặc biệt từ tháng 7/2022 quả sầu riêng, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, trở thành cơ hội lớn cho sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc diện tích sầu riêng phát triển nóng đã dẫn đến nhiều rủi ro và thách thức, nhất là ở những địa phương mà người dân mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…

Thực trạng trên là lý do vào tháng 11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Gần đây, Cục trồng trọt tiếp tục có văn bản nêu rõ hậu quả khó lường khi tăng diện tích sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào; không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, quản lý.

Trước đây nhiều người dân Miền Tây từng ồ ạt bỏ ruộng lúa để trồng mít thái. Ban đầu cũng có một số nhà vườn được mùa trúng giá, nhưng sau đó cung vượt cầu, giá mít rớt thảm hại đến nỗi người dân phải "cầu cứu". Không đâu xa, vừa qua vào vụ thu hoạch cam sành ở miền Tây nhưng giá bán chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/ký mà thương lái còn chẳng chịu thu mua. Nhiều người đã cay đắng bỏ cả vườn vì giá bán ra như vậy hầu như không đủ tiền trả cho nhân công hái cam và các chi phí vận chuyển khác.

Một điều đáng cảnh báo là thổ nhưỡng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khu vực không phù hợp trồng sầu riêng. Phía thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu xuất hiện mùa nước nổi hàng năm, dễ gây ngập úng, không phù hợp trồng vườn cây ăn trái. Khu vực ven biển thì thường xuyên xảy ra hạn mặn, cũng không phải là điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình trồng cây sầu riêng. Hơn nữa, diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng sầu riêng hiện có.

Thiết nghĩ các địa phương ở miền Tây cần rà soát ngay diện tích sầu riêng trên địa bàn, xây dựng đề án và kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp.

Ngành nông nghiệp cần tăng cường khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng…

Lúc này nếu các cơ quan vào cuộc chậm trễ và người nông dân cứ chạy theo sản xuất sầu riêng, thì không lâu nữa rất nhiều người sẽ rơi vào cảnh ngộ khó khăn, không loại trừ trường hợp phải bỏ quê bỏ đất đi làm thuê xứ khác. Khi đó sầu riêng đã thành sầu chung. 

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!