Trước khi có giá kỷ lục, cây sầu riêng từng thăng trầm ra sao?
(Dân trí) - Cây sầu riêng từng lao đao vì hạn mặn và dịch bệnh nhưng nhìn chung người trồng vẫn ít khi gặp lỗ, giá luôn cao hơn nhiều loại nông sản khác. Đó là lý do khiến nông dân ở miền Tây ồ ạt chuyển đổi.
Cơn sốt sầu riêng tăng giá khiến nhà vườn ở miền Tây vô cùng phấn khởi. So với nhiều loại nông sản khác, sầu riêng luôn có mức giá ổn định, thị trường tiêu thụ rộng nhưng ít ai biết rằng, loại quả lắm gai này vẫn có nhiều thăng trầm, không ít lần khiến nông dân "đứng ngồi không yên".
Lao đao vì hạn mặn
Có mặt tại xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), đây là một trong các địa phương trồng sầu riêng là cây chủ lực. Mỗi hộ chỉ có vài nghìn mét vuông (tương đương vài công) đất trồng sầu riêng, có hộ khá hơn được 1-2ha nhưng nhìn chung những nhà vườn trồng sầu riêng đều có nhà cửa khang trang, cuộc sống khá sung túc.
Ông Nguyễn Văn Hạnh (74 tuổi) có thâm niên trồng sầu riêng hơn 40 năm cho biết, trải qua đợt xâm nhập mặn hồi năm 2020, dịch Covid-19 giữa năm 2020 kéo dài đến năm 2021 khiến cây sầu riêng bị biến động. Đến nay các hoạt động canh tác của bà con đã được ổn định, những vườn sầu riêng khô héo vì thiếu nước ngọt đã "hồi sinh", sai trĩu quả.
Ông Hạnh kể, xưa kia đất ở đây chủ yếu trồng nhãn, một số khác trồng vườn tạp. Độ hơn 40 năm trước có người trồng sầu riêng và "phất lên" nên bà con trong xóm mới học theo tìm mua sầu riêng về trồng.
"Tuy mất đến 5 năm cây mới cho trái nhưng giá sầu riêng luôn cao nên bà con rất phấn khởi. Đặc biệt ở đây là đất cồn, phù sa bồi tụ nên trồng quả nào cũng tốt tươi. Người này truyền tai người kia, họ đốn nhãn chuyển sang trồng sầu riêng", ông Hạnh kể.
Theo ông Hạnh, trước khi có sầu riêng Ri6, bà con trồng sầu riêng khổ qua lợi nhuận khá hấp dẫn. Sau đó đến lượt Ri6 và sau này kết hợp trồng sầu riêng Monthong (Dona).
"So với sầu riêng Ri6, giống Monthong khó trồng hơn. Khi mới đem về trồng nông dân không biết cách xử lý trái nên năng suất chưa cao. Có nhiều người trồng mãi không đạt nên đốn bỏ trồng lại Ri6, những vườn còn giữ lại cây cũng đã trên 30 năm", lão nông U80 kể.
Bao năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Hạnh nhớ nhất vào đầu năm 2020, nhiều tỉnh ở miền Tây bị xâm nhập mặn, trong đó có Tiền Giang. Cây sầu riêng là loại rất khó trồng và cực kỳ "sợ mặn", thế nên lúc đó lượng sầu riêng khô héo vì thiếu nước ngọt rất nhiều.
Anh Nguyễn Văn Triệu (ngụ cùng xã với ông Hạnh) cho biết, thời điểm đó rất gian nan, hầu như ai cũng bị lỗ vì không thể xử lý trái, mục tiêu khi đó chỉ muốn cứu sống sầu riêng.
Có người trữ nước sẵn trong mương, có người chi hàng chục triệu đồng để mua nước ngọt cứu cây. Riêng anh Triệu vì không đủ tiền nên anh không mua nước tưới, ấy vậy mà sau hạn mặn, vườn sầu riêng của anh lại phục hồi nhanh nhất.
"Tôi có trữ nước trong mương, để sầu riêng vươn rễ hút nước từ từ. Mặt khác tôi không làm cỏ vườn, tạo độ ẩm để tránh bốc hơi nước. Có lẽ vì thế các cây sầu riêng trong vườn không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, hồi sức nhanh", anh Triệu kể.
Sang năm 2021 vì dịch bệnh Covid-19 khiến đầu ra gặp khó nên giá sầu riêng bị giảm có thời điểm chỉ còn 30.000 đồng/kg. Mãi đến tháng 7/2022 giá sầu riêng mới dần dần khởi sắc, tăng từ 50.000 đồng và cho đến hiện tại đã giữ ở mức 130.000-180.000/kg, tùy loại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang, tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có hơn 17.600ha sầu riêng, tập trung huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành.
Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ký kết với Tổng Cục hải quan Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu.
Năm nay, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000-190.000 đ/kg, cao hơn năm ngoái từ 20.000-90.000 đ/kg, trừ hết các chi phí nhiều nhà vườn thu được lợi nhuận từ 1-2 tỷ đồng/ha, người dân rất phấn khởi.
Tiền Giang xác định sầu riêng là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ngành nông nghiệp quan tâm chuyển giao đến nhà vườn. Người dân trồng sầu riêng ngày càng quan tâm và đầu tư cải tạo, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng chất lượng sản phẩm làm ra mà còn giúp có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường từng thời điểm trong năm.
Nông dân ồ ạt trồng tiềm ẩn nguy cơ "dội chợ"
Thấy được tiềm năng kinh tế của cây sầu riêng, khoảng chục năm trở lại đây nhiều tỉnh ở ĐBSCL như Hậu Giang, Cần Thơ... bắt đầu chuyển đổi từ đất lúa, vườn cây ăn trái sang trồng sầu riêng.
Ông Võ Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sầu riêng Nhơn Lộc 2 (huyện Phong Điền, Cần Thơ) cho biết, THT có 27ha trồng sầu riêng, hơn phân nửa canh tác theo quy trình Vietgap. Năng suất bình quân 14-15 tấn/ha, thị trường tiêu thụ đang rất ổn định.
Ông Sơn chia sẻ, trước đây bà con trồng cam dịch bệnh trên cây có múi, người trồng cam thua lỗ nên chuyển sang nông sản khác. Khoảng 10 năm trước bà con bắt đầu chuyển sang sản xuất sầu riêng, từ lúc chuyển đổi sang loại cây này, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.
"Sản lượng sầu riêng nghịch vụ không nhiều, thời gian qua có bán lai rai cho thương lái ở Tiền Giang. Với mức giá mua xô tại vườn là 130.000 đồng/kg bà con rất vui. Hơn 2 tháng nữa là đến đợt thu hoạch, dự kiến THT thu được khoảng 600 tấn", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, ngành chức năng của địa phương thời gian qua vẫn luôn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trồng sầu riêng. Để tránh việc "dội chợ", định hướng của THT trong năm 2023 sẽ đăng ký mã số vùng trồng, chuyển hướng trồng Vietgap để xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Trần Thái Nghiêm - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, địa phương này đang có tình trạng nông dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng, với tổng diện tích đến nay vào khoảng 2.500ha.
Cần Thơ đã gửi 32 hồ sơ vùng trồng, diện tích 710,8ha (824 hộ), phía Trung Quốc kiểm tra được 8 vùng, diện tích hơn 175ha (169 hộ).
"Sở tiếp tục phối hợp với chi cục trồng trọt rà soát để cấp mã số vùng trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy định về xuất khẩu", ông Nghiêm nói.
Từ năm 2014 đến nay giá sầu riêng luôn tăng ổn định, trừ năm 2021 vì dịch bệnh nên giá bấp bênh. Trước đây, với giá từ 50.000 đồng/kg nông dân đã chuyển đổi trồng sầu riêng, với mức giá cao như hiện tại sẽ có nhiều người trồng hơn nữa.
Theo lãnh đạo sở, việc nông dân ồ ạt trồng sầu riêng có thể kéo theo hệ lụy cung vượt cầu. Vì vậy, bà con cần xây dựng được mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
"Ngoài ra cần có các công ty, doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ sầu riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ trực tiếp lẫn trực tuyến", ông Nghiêm khuyến cáo.