Quê quán trên căn cước công dân
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét có nhiều điểm mới, trong đó Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi thông tin số thẻ, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an" để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.
Có thể hiểu là nếu được thông qua thì một trong những nội dung lâu nay quen thuộc trên thẻ căn cước công dân là "quê quán" sẽ không còn nữa, thay vào đó là "nơi đăng ký khai sinh".
Theo giải thích của đại diện Ban soạn thảo với báo chí trước kỳ họp Quốc hội lần này, việc sửa thông tin trên bề mặt của căn cước công dân nhằm tạo thuận lợi cho người dân; nâng cao tính chính xác và xác thực của các thông tin được sửa đổi. Việc bỏ thông tin về quê quán, thay bằng nơi đăng ký khai sinh bởi nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ cá nhân nào và tính ổn định cao; còn thông tin quê quán thì chưa có quy trình xác định xem chính xác hay không.
Từ đề xuất của Ban soạn thảo, liên hệ với thực tiễn và thông lệ quốc tế có thể thấy bỏ thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân là hợp lý. Thông lệ nhiều nước trên thế giới thường chỉ yêu cầu các thông tin cơ bản trên giấy tờ tùy thân như ngày tháng năm sinh và nơi sinh thay vì ghi nguyên quán. Việc vừa qua Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin "nơi sinh" vào trang nhân thân của hộ chiếu, nhằm tạo điều kiện cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh là một ví dụ cho thấy điều đó.
Trong thực tiễn nước ta cũng cho thấy cách hiểu và cách ghi quê quán không thống nhất. Chẳng hạn mới đây có đại biểu Quốc hội băn khoăn tại sao mục quê quán thường ghi quê cha mà không phải quê mẹ, nếu ghi thêm thông tin quê mẹ trên thẻ căn cước thì có được không?
Người viết bài này đã thử thực hiện một khảo sát nhỏ với một số người thân, bạn bè và đa số đều không thể định nghĩa một cách rõ ràng về "quê quán". Có người cho rằng đó chính là "nơi sinh", người thì nói là dẫn theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà hoặc của bố, mẹ… Không nhiều người biết rằng theo định nghĩa được nêu tại Luật Hộ tịch năm 2014 thì quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Thực tế, do trước đây người Việt thường ít dịch chuyển, nhất là khu vực nông thôn nơi sinh sống của phần lớn dân số, nên nơi sinh của một người trên tờ khai lý lịch thông thường cũng là quê quán - gắn với "quê cha đất tổ", nơi an cư lâu đời của một gia đình, một dòng họ. Tất nhiên, cũng có những gia đình, bố mẹ sinh sống ở một nơi nhưng gốc gác, tổ tiên lại ở nơi khác, theo đó quê quán và nơi sinh cũng khác nhau.
Còn hiện nay, việc di cư, thay đổi nơi ở giữa các thế hệ người Việt đã diễn ra thường xuyên, là "chuyện thường ngày" cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do vậy quê quán nhiều khi trở nên khó xác định.
Tôi được nghe kể về trường hợp một người sinh ra ở tỉnh A đến tỉnh B làm việc và sinh con ở đó. Người con có nơi sinh là B. Người cha sau đó lại di chuyển cả nhà đến thành phố C sinh sống. Người con sau này sinh cháu ở thành phố C. Người cháu sẽ có nơi sinh là C. Vậy người cháu có quê quán là B (nơi sinh của cha) hay A (nơi sinh của ông nội). Quê quán trong trường hợp này là rất mơ hồ, nhất là khi gia đình sinh sống ở B chỉ thời gian ngắn.
Lại cũng có trường hợp anh em trong một gia đình lại không cùng "quê quán" bởi trong quá trình sinh trưởng và dịch chuyển nơi công tác của người cha, quê quán của người con trước và người con sau lại khác nhau. Vô hình trung, anh em một nhà lại khác quê quán, không còn đúng theo tinh thần, ý nghĩa gợi nhắc về cội nguồn, gốc gác.
Hoặc trong chứng minh thư nhân dân trước đây (khi chưa đổi thành căn cước công dân), quê quán của một người là nơi sinh của cha, nhưng trong một số giấy tờ khác lại dùng thông tin nơi sinh của mẹ, từ đó gây ra tính bất nhất về thông tin, làm khó cán bộ giải quyết hồ sơ cũng như làm khó chính người trong cuộc.
Từ các ví dụ trên, thiết nghĩ để có sự thống nhất của thông tin trên căn cước công dân, tránh những rắc rối không cần thiết cho người dân thì việc bỏ cách ghi quê quán và thay bằng nơi đăng ký khai sinh là cần thiết. Việc sử dụng thông tin nơi đăng ký khai sinh kết hợp với thông tin ngày, tháng, năm sinh sẽ chi tiết và dễ dàng xác định cá nhân hơn là thông tin quê quán. Nơi sinh thì chỉ có một, nhưng cách hiểu về quê quán một người thì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", phức tạp hơn nhiều.
Trong những trường hợp cụ thể cần thông tin về quê quán, cơ quan chức năng có thể bằng các biện pháp nghiệp vụ để lấy thông tin chứ không cần phụ thuộc vào thẻ căn cước công dân.
Bên cạnh đề xuất thay đổi cách ghi thông tin trên thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật còn có các sửa đổi khác nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công dân số và phát triển kinh tế - xã hội (tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử).v.v…, qua đó sẽ phù hợp với tiến trình hội nhập cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!