Nghề nông nghiệp và tỷ phú nông dân
(Dân trí) - Tỷ phú làm nông thì mấy năm nay đã thấy nhiều, còn rộ lên như một "mốt" làm ăn. Còn nông dân trở thành tỷ phú, thì vẫn là câu chuyện truyền kỳ, là hiện tượng?
(Một góc làng Đồng Kỵ)
"Làm sao để người dân vùng nông thôn bớt khổ?", "Làm sao giúp người nông dân thoát cảnh nghèo?"… Đây là những câu hỏi xuất hiện rất nhiều nơi, bởi rất nhiều người, trong suốt nhiều năm qua.
Với số đông chúng ta, người nông dân vùng nông thôn thường gắn với "nghèo". Sự mặc định đó không phải không có nguyên do. Dù là lực lượng lao động chiếm số đông trong nền kinh tế, tuy nhiên, thu nhập của người lao động nông thôn lại bấp bênh, không ổn định.
Không phải nông thôn ở đâu cũng được quy hoạch để thành những cánh đồng mẫu lớn. Hoạt động canh tác của bà con chủ yếu vẫn mang tính chất manh mún, tự phát, chưa đạt được hiệu quả cao.
Tôi từng chứng kiến người dân ở quê mình đứng trước bờ vực phá sản chỉ ít tháng trước khi người người, nhà nhà vay ngân hàng nuôi lợn thịt rồi gặp dịch tả lợn châu Phi. Lợn chết hàng loạt. Người nông dân gục bên xác lợn, đừng nói là tiền giống, tiền thức ăn, công chăm bẵm đổ sông đổ bể, phía sau đó còn là nợ nần chồng chất, là miếng cơm, manh áo, tiền học phí cho con cái.
Chưa hết. Khi vụ xuân hè chỉ còn ít ngày để tới kỳ thu hoạch thì bất ngờ giông lốc ập tới, lúa ngã rạp ngập trong nước. Những giọt nước mắt, những tiếng thở dài của người nông dân ám ảnh tâm trí tôi.
Thật xót xa, trong khi nhiều quốc gia, người nông dân đã làm chủ công nghệ, quản lý nông nghiệp bằng hệ thống máy móc, dùng cả máy bay để ra thăm đồng, thì nông dân một quốc gia nông nghiệp như ở ta vẫn lệ thuộc vào thời tiết và phương thức sản xuất lạc hậu.
Tôi không phải là kỹ sư nông nghiệp, cũng không có những kiến thức về phát triển nông thôn. Việc tìm ra giải pháp cụ thể để giúp người nông dân thoát nghèo, thoát khổ là quá sức với tôi.
Tuy nhiên, quá rõ để thấy rằng, sự bị động của người nông dân ở các vùng nông thôn chủ yếu nằm ở hoạt động sản xuất theo hộ gia đình và không có quy hoạch về sản phẩm, nguồn cung; không được hướng dẫn bài bản cũng như giám sát về chất lượng đầu vào; không được đảm bảo về đầu ra tiêu thụ.
Với người nông dân ở nhiều vùng nông thôn, thu nhập từ nông nghiệp thậm chí không thể đảm bảo được cuộc sống, họ phải li nông, li hương để kiếm thêm những nguồn thu chính, từ lao động phổ thông ở thành thị, từ những công việc bấp bênh, thời vụ. Nếu nói "làm nông nghiệp" là một nghề thì vì sao nông dân lại khó làm giàu từ nghề cha ông truyền lại?
Theo đó, nếu vẫn mãi duy trì cách làm cũ, vẫn loay hoay, luẩn quẩn với cây - con mà không có quy hoạch bài bản, thì có lẽ người nông dân muôn năm vẫn gắn với cái nghèo.
Một bài viết trên Diễn đàn doanh nghiệp mới đây của ông Đỗ Cao Bảo đề cập đến vấn đề "tỷ phú làng và làng tỷ phú", dẫn chứng về gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Hợp tác xã Chăn nuôi Công nghệ cao Thanh Vân (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương); thị trấn Cao Phong (Hòa Bình); làng Mẹo ở Thái Bình với 60 doanh nghiệp tư nhân…
Ông Bảo đặt vấn đề: "Tại sao cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh, cùng môi trường mà họ lại thành tỷ phú, làng tỷ phú còn các người khác, làng khác thì không?".
Tỷ phú làm nông nghiệp thì mấy năm nay đã thấy nhiều, thậm chí còn trở thành "mốt"; vậy mà người nông dân trở thành tỷ phú lại là hiện tượng (?).
Thật tuyệt vời nếu có thể nhân rộng được mô hình "làng tỷ phú", nơi mà người nông dân cũng tựa như những doanh nhân. Song, chắc chắn, việc nhân rộng đó không phải là sự học hỏi rập khuôn, và chỉ riêng người nông dân sẽ khó mà làm được. Điều đó đòi hỏi sự năng động của địa phương và sự chuyển động về mặt tư duy của cả một nền nông nghiệp!