1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

5 ca mổ tìm hình hài và ước mơ làm bác sĩ của cô bé đa dị tật

Minh Nhật

(Dân trí) - Mỗi ca phẫu thuật là một chặng đường, mỗi nụ cười là một tia hy vọng. Hành trình để các em được "bình thường" như bao bạn bè khác không hề dễ dàng.

5 ca mổ tìm hình hài

Chào đời vào năm 2014 tại Đông Triều, Quảng Ninh, bé Lương Vũ Khánh Chi không may mắc dị tật đa bẩm sinh với khe hở ngang mặt kéo dài lên má và tai trái, kèm theo thiểu sản xương hàm và dị tật ống tai ngoài bên trái.

Đó là cú sốc lớn đối với gia đình khi bố mẹ, ông bà Chi đều khỏe mạnh nhưng con lại không may mắn.

5 ca mổ tìm hình hài và ước mơ làm bác sĩ của cô bé đa dị tật - 1

Bé Lương Vũ Khánh Chi (Ảnh: Ban tổ chức).

Anh Lương Bá Tùng - bố của Khánh Chi - nghẹn ngào nhớ lại: "Nhìn con đỏ hỏn với gương mặt không lành lặn, cả nhà ai cũng suy sụp. Dị tật môi kéo hẳn ra sau má khiến con mỗi khi bú, sữa trào ra ngoài mà không giữ được. Những lúc đó, thương con đến quặn lòng".

Không chấp nhận số phận, gia đình dốc hết sức tìm kiếm các phương án điều trị.

Từ năm 2015 đến nay, Khánh Chi đã trải qua 5 cuộc phẫu thuật: vá môi hở, sửa dò lỗ nhĩ, kích ống tai ngoài và hai lần ghép mỡ để cải thiện vùng má bị lép.

"Trong 5 lần phẫu thuật, có 3 lần Khánh Chi thực hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong hành trình tìm lại gương mặt toàn vẹn cho con, tôi được gặp trường hợp các bé còn nặng hơn Khánh Chi rất nhiều nhưng kết quả lại rất khả quan.

Điều này tiếp thêm cho gia đình động lực và niềm tin vào các y bác sĩ", anh Tùng chia sẻ.

Những ca phẫu thuật không chỉ giúp con sinh hoạt dễ dàng hơn mà còn lấy lại sự tự tin của cô gái bé nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi.

Hành trình gian nan ấy càng thêm ý nghĩa khi năm 2023, trong lần ghép mỡ đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khánh Chi được chính bác sĩ phẫu thuật giới thiệu tham gia cuộc thi vẽ tranh tại Đài Loan (Trung Quốc).

Bức tranh em gửi sang Đài Loan, khắc họa ước mơ trở thành bác sĩ để giúp đỡ những trẻ em giống mình, đã xuất sắc đứng thứ 12. Niềm vui nối tiếp khi Khánh Chi được ban tổ chức mời sang Đài Loan - Một trải nghiệm mà em chưa từng mơ tới.

"Con muốn trở thành bác sĩ để mổ cho các bạn nhỏ bị dị tật giống mình", Khánh Chi bẽn lẽn chia sẻ về ước mơ của mình.

Theo anh Tùng, Khánh Chi sẽ tiếp tục được ghép mỡ trong tương lai.

Khi bước sang tuổi 15, Khánh Chi sẽ trải qua ca phẫu thuật quan trọng nhất - cấy xương hàm và sắp xếp lại xương để gương mặt hài hòa hơn.

Bệnh viện là nhà, mẹ vẫn nuôi ước mơ con thành người lành lặn

Nếu hành trình của Khánh Chi là chuỗi các ca phẫu thuật để hoàn thiện khuôn mặt, thì với Nguyễn Ngọc Diệu (sinh năm 2015, Hà Nội), đó là những tháng ngày đấu tranh sinh tử với bệnh tật.

Diệu sinh ra với dị tật sứt môi, hở hàm ếch nhưng chưa dừng lại ở đó, sau này em lại phát hiện bệnh thoát vị màng não và suy tuyến yên.

5 ca mổ tìm hình hài và ước mơ làm bác sĩ của cô bé đa dị tật - 2

Bé Nguyễn Ngọc Diệu và mẹ (Ảnh: Ban tổ chức).

Chị Nguyễn Thị Thơm - mẹ Diệu - nhớ lại những tháng ngày đầu: "Con bị viêm phổi, viêm phế quản triền miên, gần như 3 năm đầu đời là ở trong bệnh viện. Khi phát hiện thêm thoát vị màng não, tôi chỉ biết ôm con mà khóc".

Năm 2016, Diệu trải qua ca vá môi đầu tiên. Đến năm 2019, em tiếp tục phẫu thuật hàm ếch tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chị Thơm xúc động kể: "Ngày phẫu thuật, trời oi ả mà con quấy khóc suốt. Bác sĩ không chỉ mổ mà còn tận tình bế con, tìm quạt cho gia đình mượn. Ấm lòng lắm".

Dù phải nghỉ làm để chăm con, cuộc sống chỉ trông vào đồng lương công nhân của chồng, nhưng chị Thơm chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.

Sau những ca phẫu thuật, gương mặt Diệu thay đổi rõ rệt, giọng nói tròn trịa hơn, giao tiếp tự tin hơn.

"Trước đây con hay rụt rè, bị bạn bè trêu chọc. Giờ con mạnh dạn hơn, không còn sợ đến lớp nữa", chị Thơm mỉm cười.

Hành trình vẫn tiếp tục với các liệu trình nắn răng, điều chỉnh hàm để gương mặt Diệu hoàn thiện hơn. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, gia đình chỉ biết thầm cảm ơn tất cả những ai đã không rời bỏ họ.

Thêm hy vọng cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch

5 ca mổ tìm hình hài và ước mơ làm bác sĩ của cô bé đa dị tật - 3

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Ban tổ chức).

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã giúp bệnh viện tiến sâu, tiến xa hơn trong công tác chăm sóc trẻ em.

Chuyên gia này dẫn chứng về lĩnh vực phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch và thính học, bệnh viện đã phối hợp cùng Quỹ Noordhoff Craniofacial (NCF) trong 7 năm qua.

Đến nay đã có hơn 3.500 bệnh nhân nội và ngoại trú được thừa hưởng từ chương trình này.

Ngày 22/2, NCF cũng đã chính thức khai trương văn phòng tại Việt Nam.

5 ca mổ tìm hình hài và ước mơ làm bác sĩ của cô bé đa dị tật - 4

Ngày 22/2, NCF cũng đã chính thức khai trương văn phòng tại Việt Nam (Ảnh: Ban tổ chức).

Theo bà Chen Yi Ling, Giám đốc NCF, sự kiện đánh dấu bước tiến trong hành trình cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn cho trẻ em bị sứt môi và hở hàm ếch tại Việt Nam.

Theo PGS Điển, việc NCF đặt văn phòng tại Việt Nam sẽ giúp nhiều em bé được phẫu thuật hơn, thứ hai là đẩy mạnh công tác đào tạo cho các bác sĩ trung ương về phẫu thuật và thính học.