Tâm điểm
Bùi Hoài Sơn

Những bước chân diễu binh trong thống nhất, hòa bình

Trong những ngày đặc biệt này, tôi và chắc là rất nhiều người khác, luôn chăm chú dõi theo những hình ảnh trang nghiêm của các cán bộ, chiến sĩ miệt mài luyện tập cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những động tác chuẩn mực, cử chỉ, tác phong nghiêm nghị của từng chiến sĩ như nhắc chúng ta rằng lực lượng vũ trang là hiện thân của kỷ luật, tinh thần kiên cường, ý chí bảo vệ Tổ quốc và những giá trị cao đẹp của dân tộc. Những bước chân đều đặn, tiếng quân nhạc hào hùng cùng màu cờ đỏ sao vàng rực rỡ đã chạm đến từng cung bậc cảm xúc trong trái tim mỗi người. Lòng tự hào về nền độc lập, tự do thật khó tả - với một người thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh như tôi thì đó là niềm hạnh phúc ấm áp. Bầu không khí háo hức, tràn đầy khát vọng hiện rõ trên từng gương mặt người lính trong giờ phút luyện tập trang nghiêm.

Những bước chân diễu binh trong thống nhất, hòa bình - 1

Các khối lực lượng vũ trang diễu binh trong buổi tổng duyệt sáng 27/4 (Ảnh: Hữu Khoa).

Bên cạnh những buổi diễn tập, thật nhiều câu chuyện đời thường đã lan tỏa cảm xúc khắp nơi. Chẳng hạn, một chiến sĩ trẻ tình cờ thấy mẹ mình đứng bên đường tập luyện, dừng lại giây lát để vẫy tay chào. Trong ánh mắt người mẹ ánh lên niềm tự hào, còn trên gương mặt chiến sĩ bừng lên hạnh phúc. Khoảnh khắc giản dị ấy khiến hàng triệu người xem qua màn hình không khỏi xúc động. Hàng nghìn bình luận yêu thương và tự hào đã được gửi gắm trên mạng xã hội ngay sau đó. Hay, trong một lần tổng duyệt gần đây, hình ảnh một chiến sĩ Công an chạy đến ôm chầm bà ngoại của mình cũng khiến bao trái tim rưng rưng; tình yêu thương và niềm tự hào hiện rõ trên gương mặt cụ bà khi bà nhìn thấy thế hệ con cháu nối tiếp giấc mơ hòa bình.

Những hình ảnh đời thường giản dị ấy như nhắc nhở chúng ta rằng sau mỗi người lính là gia đình, là Tổ quốc và quê hương. Sự liên kết gắn bó giữa quân với dân đã từ lâu nằm sâu trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Trên khắp đất nước, không khí lễ hội tưng bừng tràn ngập niềm vui. Trường học, công sở, các ngõ phố… rợp cờ hoa kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến nhiều em học sinh, sinh viên hào hứng tham gia cuộc thi vẽ tranh, làm báo tường chủ đề giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong tranh của các em là lá cờ tung bay giữa bầu trời xanh, đoàn quân nối bước trên miền quê tươi đẹp, biểu tượng cho hòa bình và khát vọng vươn lên. Chúng ta sẽ mãi nhớ cảnh phố phường rực rỡ cờ hoa những ngày này.

Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là dịp để mỗi người hướng về các thế hệ đi trước với lòng biết ơn sâu sắc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hy sinh và giá trị của nền độc lập vẫn vẹn nguyên trong trái tim người dân. Chúng tôi thường nghe ông bà, cha mẹ kể về những ngày tháng kháng chiến gian lao: những lần tiễn con ra trận; những tin vui khi nhận được thư của đồng đội, người thân.

Từ những câu chuyện cha mẹ kể lại đến hình ảnh đất nước chuẩn bị bước vào đại lễ, tôi nghĩ rằng mỗi người luôn trào dâng tinh thần "uống nước nhớ nguồn". Có những khoảnh khắc khiến tôi nghẹn ngào: người mẹ liệt sĩ ôm khung hình con trong nước mắt, hay ánh mắt rưng rưng của những cựu chiến binh khi nhìn thế hệ trẻ diễu hành.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, với cơ hội và thách thức đan xen. Chúng ta - lớp trẻ sinh sau chiến tranh - may mắn được thừa hưởng hòa bình nhưng cũng mang trên vai trách nhiệm lớn lao. Được sống trong hòa bình, chúng ta hiểu rằng phải tiếp nối công lao cha anh bằng ý chí tiến thủ và tinh thần học hỏi không ngừng.

Hình ảnh đoàn quân diễu binh oai hùng hôm nay như tiếp thêm sức mạnh, nhắc nhở mỗi người trẻ hãy phấn đấu học tập, rèn đức luyện tài để sánh bước cùng đất nước. Từ giảng đường đại học đến công trường xây dựng, tinh thần vươn ra thế giới, kết nối toàn cầu đang thôi thúc chúng ta: phải làm gì đó cho đất nước lớn mạnh hơn, từ xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, chăm sóc nền văn hóa, cho đến bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Với tôi, niềm vui và tự hào cháy bỏng những ngày này nhắc nhở rằng con đường phía trước dù không chỉ có thuận lợi mà còn nhiều khó khăn, thách thức thì tinh thần Việt Nam vẫn sẽ dẫn lối, là sao sáng dẫn đường.

Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.

Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!