Tâm điểm
Bích Diệp

Những "bài toán khó" chờ tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải

Trả lời báo chí ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng nêu ba ưu tiên khi ngồi vào "ghế nóng".

Thứ nhất, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai quyết liệt hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Thứ hai, Bộ tập trung rà soát các dự án BOT thời gian qua, từ đó xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại, đồng thời tiếp tục thu hút nguồn vốn xã hội và nguồn vốn khác. Thứ ba, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án đầu tư công, gồm cả của Bộ và địa phương.

Việc xác lập ưu tiên rõ ràng sẽ giúp tân Bộ trưởng có kim chỉ nam ngay từ những giờ phút đầu tiên cũng như trong suốt quá trình đảm đương cương vị Bộ trưởng.

Ông cũng chia sẻ một điều bản thân cảm thấy yên tâm và thuận lợi, đó là cán bộ, công chức Bộ Giao thông Vận tải đã thể hiện tinh thần "sẵn sàng đón một lãnh đạo mới để cùng thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới".

Những bài toán khó chờ tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải - 1

Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giao thông Vận tải được xem là huyết mạch của nền kinh tế, nằm trong ba đột phá chiến lược quốc gia. Vì vậy nhiệm vụ của toàn ngành nói chung, trọng trách của "tư lệnh" ngành nói riêng là rất nặng nề. Thời gian qua tiến độ, chất lượng các công việc của Bộ Giao thông Vận tải đã có những chuyển biến tích cực, đơn cử, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị dẫn đầu trong việc hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia (đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa), được Thủ tướng phê duyệt 4/5 quy hoạch.

Về đầu tư công - nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, trong năm 2022 Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao 50.327 tỷ đồng, đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay. Đến hết tháng 9 vừa qua, Bộ đã giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch, nghĩa là duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các Bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước (47%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khối lượng công việc của ngành Giao thông Vận tải theo kế hoạch và mục tiêu, yêu cầu đề ra vẫn còn rất lớn, nhiều công trình, dự án còn dở dang, thậm chí chậm tiến độ; nhiều hành lang pháp lý vẫn cần tiếp tục được "khơi thông" để huyết mạch quốc gia phát triển hơn nữa.

Ngay trong lĩnh vực đầu tư công, con số nêu trên vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra khoảng 670 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (61%). Từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng (46,3%). Trong đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác giải phóng mặt bằng); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng.

Với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong nhiệm kỳ này (gồm cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành), các công việc phía trước còn không ít khó khăn, thách thức, có những phần việc ngổn ngang như giải phóng mặt bằng, nguồn cấp và giá cả vật liệu thi công…

Theo nhiều chuyên gia, "bài toán khó" hàng đầu của tân Bộ trưởng là cùng với các cấp có thẩm quyền, các địa phương và toàn ngành quyết liệt triển khai hàng loạt dự án lớn, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đúng pháp luật, đúng quy trình.

Thời gian qua, một trong những tồn tại lớn nhất ở các dự án đầu tư công, đặc biệt ở các công trình giao thông chính là "có tiền mà không tiêu được". Ở đây có nhiều nguyên nhân song không loại trừ tâm lý "sợ sai" của một bộ phận cán bộ, công chức. Tâm lý này rất nguy hiểm, làm trì trệ tiến độ các công trình và kéo lùi sự phát triển. Chính vì vậy, việc lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải xác định phối hợp với các địa phương để tháo gỡ nút thắt đầu tư công là bước đi đúng đắn, cần thiết. Điều này yêu cầu tính quyết đoán và xông xáo của tân Bộ trưởng, thể hiện được vai trò của "tư lệnh" trên mặt trận xây dựng hạ tầng nóng bỏng hiện nay.

Công chúng cũng kỳ vọng rằng, với một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tân Bộ trưởng sẽ phát huy được thế mạnh, góp phần giải được "bài toán khó" của ngành trong việc huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế vào đầu tư phát triển lĩnh vực Giao thông Vận tải.

Đúng như tân Bộ trưởng đã nhận thấy, hiện nay nguồn lực xã hội còn rất lớn. Do vậy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, cần cố gắng lấy vốn Nhà nước làm vốn mồi, nghiên cứu đưa ra giải pháp thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp.

Có thể thấy, thách thức, khó khăn phía trước cũng chính là điều kiện để tân Bộ trưởng trui rèn bản lĩnh và thể hiện được năng lực. Bộ mặt của hạ tầng giao thông đất nước những năm tới như thế nào, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, là sự đóng góp của nhân dân, là công sức của nhiều cấp, nhiều ngành và cả bộ máy, và trong đó có vai trò của người đứng đầu ngành giao thông. Đây là trách nhiệm nặng nề song cũng là vinh dự lớn lao với tân Bộ trưởng.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!