"Nhà loạn số, phố loạn nhà"
"Ma trận số nhà", "nhà loạn số", hay "phố trùng tên" không chỉ là vấn nạn bấy lâu nay tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM, mà cũng đã xuất hiện tại nhiều địa phương khác. Đó là tình trạng trùng số nhà, một nhà nhưng lại có nhiều số, số nhà không liền mạch, số chẵn số lẻ lộn xộn, một tên gọi được đặt cho nhiều phố.v.v…
Sự cộng hưởng của những đặc điểm nêu trên dẫn đến tình trạng khó định vị, mất phương hướng, đến sai địa chỉ, hoặc không tìm được đúng địa chỉ tại các địa bàn đô thị. Điển hình là tại Hà Nội và TPHCM, không chỉ những người thành thạo đường xá bậc nhất như lái xe taxi, shipper… mà cả những người đã cư trú lâu năm cũng nhiều phen rơi vào tình huống phải "bó tay", còn du khách vãng lai thì chỉ biết "kêu trời".
Về mặt cấu trúc xã hội, tình trạng rối loạn số nhà, trùng lặp tên phố ở nước ta hiện nay có liên quan đến những biến động lịch sử, sáp nhập, chia tách địa giới hành chính. Khi địa bàn còn chưa phát triển thì các hiện tượng phức tạp chưa nảy sinh, người dân vẫn cảm thấy bình thường. Tuy nhiên, khi các hoạt động kinh tế, thương mại gia tăng, dân cư tích tụ đông đúc thì vấn đề nhầm phố, sai ngõ, loạn số nhà dễ xuất hiện, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trên nhiều phương diện.
Quan trọng hơn, tiến trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước đã tạo ra những xung đột về cách thức quản lý xã hội. Tại những cộng đồng làng, xã nông nghiệp, nay chuyển thành đô thị, cả chính quyền và cư dân vốn không có thói quen đặt tên đường, phố, hay số nhà. Những yếu kém về quy hoạch và quản lý trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, cùng thói quen dễ dãi của cư dân nông thôn dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện gắn biển số nhà, không tuân thủ quy tắc nhất định.
Những dòng dịch chuyển lao động từ nông thôn đến các đô thị cũng dần hình thành những cụm dân cư tự phát, cư trú quần tụ theo mô hình "làng, xóm" truyền thống. Theo thời gian, những khu vực này cũng chuyển thành phường, một đơn vị hành chính tại các đô thị. Hệ thống đường xá, ngõ, ngách, hẻm…hình thành tự phát, chồng chéo, chằng chịt; những ngôi nhà mới xây chưa phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về kiến trúc đô thị…khiến những địa bàn vùng ven, nay đã trở thành những khu vực mới đô thị hóa, dễ xảy ra tình trạng "loạn số nhà".
Về tổng thể, những cộng đồng dân cư đô thị với tính đa dạng xã hội ngày càng gia tăng tất yếu thúc đẩy nhu cầu đặt tên đường, phố và số nhà. Tuy nhiên, do sự biến đổi về hạ tầng đô thị, tích tụ dân cư diễn ra nhanh hơn sự phát triển về năng lực quy hoạch, trình độ quản lý cũng như tiến độ thay đổi lối sống, thói quen cư trú, khuôn mẫu hành vi của người dân… đã trở thành những nguyên nhân chính tạo ra tình trạng rối loạn số nhà tại một số địa bàn.
Thực trạng "nhà loạn số, phố loạn nhà" không chỉ gây khó khăn, bức xúc cho người dân trong việc tìm địa chỉ, mà còn đặt ra những thách thức về quản lý đô thị. Đáng chú ý nhất là những phức tạp nảy sinh khi có nhu cầu nắm bắt lịch sử cư trú của cá nhân hay xác minh địa chỉ chính xác cho các bất động sản, hồ sơ của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó là những lãng phí giao dịch trong các lĩnh vực giao vận, thư tín, hay làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các phản ứng trong những tình huống bất thường như cấp cứu, hỏa hoạn, tai nạn...
Từ năm 2006, "Quy chế đánh số và gắn biển số nhà" đã được Bộ Xây dựng ban hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc thực hiện quy chế chưa được nghiêm túc, cả từ phía chính quyền và người dân. Bản thân quy chế cũng cần được điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với tiến trình biến đổi kinh tế - xã hội tại các đô thị, nhằm sớm dẹp bỏ tình trạng "nhà loạn số, phố loạn nhà". Mới đây, trong Nghị quyết 164/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng thống nhất giải pháp quản lý số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, hướng dẫn UBND tỉnh, thành triển khai thực hiện.
Để giải quyết những "ma trận" số nhà hiện nay, ngăn ngừa khả năng tái xuất hiện trong tương lai thì trước hết cần xác định rõ ranh giới giữa những khu vực sẽ bảo lưu hiện trạng, và những khu vực sẽ thực hiện đặt tên đường, gắn số nhà theo các quy định mới nhất. Với những khu vực phải bảo lưu thì cần rà soát để loại bỏ sự trùng lắp hay sự thiếu logic, thiếu thống nhất về tên đường, số nhà. Với những khu vực thực hiện theo quy định mới thì việc đặt tên đường, gắn số nhà cần được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ và thực hiện nhất quán.
Khi triển khai việc đặt tên đường, phố, và gắn số nhà thì quan trọng bậc nhất là yêu cầu về tính trật tự (thứ bậc hoặc phân nhóm) với các cấp độ "Đường, Phố, Ngõ, Ngách, Hẻm". Những Đường, Phố cần được sắp xếp theo những đặc điểm riêng, chẳng hạn như: triều đại phong kiến, giai đoạn lịch sử, hay các lĩnh vực khác nhau. Nhờ đó, khi cần tìm địa chỉ, người dân chỉ cần nhớ một tên đường, phố có liên quan là có thể nhanh chóng xác định được khu vực và địa điểm mà mình cần đến.
Trên cơ sở hệ thống giao thông, việc gắn biển số nhà cần thực hiện nhất quán từ trung tâm ra ngoại vi đến hết mỗi đường, phố; tương tự là với các ngõ/ngách/hẻm. Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc gắn số nhà, xử lý nhanh chóng những trường hợp nảy sinh khi có nhà chia, tách, và xử phạt nghiêm khắc những trường hợp tự tiện gắn biển số nhà.
Mỗi tên đường hay biển số nhà, nếu tách ra riêng lẻ thì sẽ không có ý nghĩa gì đáng kể. Tuy nhiên, khi đặt trong một cấu trúc đô thị hiện đại thì việc đặt tên đường, phố, số nhà đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, tư duy hệ thống và khoa học. Số nhà gắn với mỗi địa chỉ cụ thể phải trở thành đặc điểm dễ nhận biết, dễ định vị để tạo sự dễ dàng khi đi lại cho người dân, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước.
Bên cạnh cách đặt tên đường theo tên gọi truyền thống, tên danh nhân, nhân vật lịch sử… lâu nay, chúng ta có thể tham khảo thêm cách đặt tên đường, phố, ngõ, ngách, hẻm… bằng chữ và con số. Các địa phương có thể xác định những điểm xuất phát cho từng địa bàn, thường là trung tâm thành phố/thị xã/thị trấn, rồi từ đó có thể đặt tên theo chữ cái hoặc cụm chữ và số cho các con đường lớn đi từ trung tâm ra các khu vực ngoại vi, và phố cắt ngang các đường. Tiếp đó, cắt ngang các phố là ngõ, ngách, hẻm được đánh số thứ tự, có thể thống nhất từ một (gần trung tâm nhất) đến các số cao hơn (ra ngoại vi), hoặc từ ngoài vào trong theo chiều ngang để dễ nhận biết.
Những "ma trận số nhà" là một đặc điểm của các xã hội đang phát triển như nước ta hiện nay. Nếu không giải quyết dứt điểm thì các "ma trận số nhà" không chỉ sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy phức tạp trong tương lai, mà còn có thể trở thành một chỉ báo cho thấy sự yếu kém, tụt hậu về trình độ tổ chức cuộc sống, quản trị đô thị, tại một địa bàn cụ thể cũng như trên quy mô quốc gia. Nói cách khác, một địa phương hay một quốc gia phát triển, văn minh thì không cho phép tồn tại tình trạng "nhà loạn số, phố loạn nhà" như tại một số nơi ở nước ta hiện nay.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!