Mùi mắm tôm trong văn phòng buổi trưa
Dân văn phòng truyền tai nhau nhiều kinh nghiệm như: Làm việc ra sao, giao tiếp như thế nào, cách ghi điểm trong mắt sếp. Nhưng dường như trong số những điều cần biết, ít ai chú ý tới câu chuyện nên ăn trưa như thế nào.
Khi tiếng lò vi sóng bắt đầu quay đều, khi tiếng đóng mở tủ lạnh diễn ra đều đặn hơn, và khi tiếng bát đũa lạch cạch đâu đó, tôi biết đã đến giờ ăn trưa ở văn phòng. Hơn 10 năm đi làm, tôi đã trải nghiệm nhiều không gian văn phòng: Rộng như một tầng chung cư cũng có, nhỏ như một căn phòng nhà trọ cũng có. Khác nhau về kích cỡ như vậy nhưng các văn phòng đều có điểm chung: Mỗi ngày là một bản "hòa tấu" mùi thức ăn. Đa phần là buổi trưa, nhưng đôi khi cũng kéo dài từ buổi sáng cho đến giờ ăn vặt buổi chiều.
"Ai ăn mắm tôm trong phòng đấy!," tôi đang làm việc bỗng giật mình vì tiếng quát của chị đồng nghiệp.
Quả thật, có mùi mắm tôm ở đâu đó trong văn phòng dù không nồng.
Một nhóm đồng nghiệp nữ ở tận cuối văn phòng rối rít đứng lên xin lỗi, bê mấy đĩa đồ ăn vừa mới đặt giao tới đi chỗ khác. Tôi cũng không biết họ có thể giấu ở đâu với mùi mắm tôm như vậy.
Hỏi bất cứ ai từng làm văn phòng xem liệu họ đã bao giờ phải chịu đựng mùi đồ ăn tại nơi làm việc, tôi đoán với khá nhiều người câu trả lời có, từ mùi xôi xéo với hành phi buổi sáng, mùi các thể loại bún mắm buổi trưa cho đến mùi sầu riêng cho bữa xế chiều. Trong một không gian điều hòa kín gió nơi công sở, sống chung với mùi đồ ăn không phải câu chuyện dễ dàng.
Đồ ăn có mùi là câu chuyện có thể diễn ra ở bất cứ văn phòng nào trên thế giới. Tuy nhiên, văn hóa làm việc khác nhau tại mỗi quốc gia cũng phần nào ảnh hưởng tới văn hóa ăn trưa. Trong thời gian sống Mỹ, mỗi buổi sáng khi bạn cùng nhà đi làm, tôi rất ngạc nhiên vì đồ ăn trưa bạn tôi mang đi đa phần đều rất đơn giản: Một chiếc bánh sandwich bơ lạc đã kẹp sẵn, hoa quả thường là chuối và táo cùng với một thanh protein.
Với một đất nước hơn 300 triệu dân như Mỹ, chắc chắn cách ăn trưa rất đa dạng, nhưng khi quan sát nhiều bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy họ có một số điểm chung: Bữa ăn thường đơn giản, gọn nhẹ khi thời gian nghỉ trưa không có nhiều (chỉ từ 30 phút tới 1 tiếng) và bữa trưa không phải bữa chính để cần ăn quá no. Bạn bè tôi ở Đức cũng kể rằng, nhiều người Đức có thói quen ăn trưa rất nhanh để có thể kết thúc công việc sớm.
Những sự khác biệt trên còn có thể quan sát ở cả văn hóa nghỉ trưa nói chung. Bên cạnh việc ăn nhanh và ăn gọn gàng, nhiều người cũng không ngủ trưa nơi công sở. Khi tôi hỏi xem bạn tôi có biết ngủ trưa sẽ tốt cho sức khỏe hay không, Andrew - người bạn Mỹ sống ở Boston, chia sẻ, cũng biết là tốt thật nhưng không có thời gian và cũng không muốn tạo hình ảnh không chuyên nghiệp ở văn phòng.
Quay lại với câu chuyện ăn trưa, trong thời buổi vật giá leo thang, việc ăn trưa ở văn phòng là cách cần thiết để tiết kiệm chi phí. Theo nhiều nghiên cứu tại Mỹ, việc mang đồ ăn theo có thể giúp nhân viên tiết kiệm được từ 1/2 - 1/3 chi phí ăn trưa. Với thời tiết mùa hè ở Việt Nam, gọi đồ ăn về văn phòng ăn trưa không chỉ thuận tiện mà còn tránh được nắng nóng, bụi bặm. Tuy nhiên, ăn trưa như thế nào để không ảnh hưởng tới người khác là một câu chuyện cần bàn.
Không phải ai cũng dám lên tiếng trước những đồng nghiệp ăn uống vô tâm trong văn phòng vì nhiều lý do: "Trời đánh tránh bữa ăn", rồi thì nhiều khi chúng ta cũng tặc lưỡi cho qua vì nghĩ ai cũng có lúc phải vậy. Hoặc đơn giản là nhân viên không có lựa chọn nào khác khi công ty không có không gian riêng cho việc ăn uống.
Các công ty thường tập trung đào tạo nhân viên về kỹ năng làm việc hiệu quả trong văn phòng, kỹ năng ứng xử, trong khi cung cách ăn uống không phải điều được nhắc đến nhiều. Những người đã đi làm nhiều năm có thể hiểu rõ văn hóa hay "luật bất thành văn" ở văn phòng, nhưng với các bạn trẻ, những hướng dẫn hay quy định rõ ràng sẽ giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn, ngay cả với câu chuyện quy tắc ăn trưa.
Với bản thân tôi, quy tắc đầu tiên luôn là không mang đồ ăn trưa có mùi tới văn phòng. Mỗi cá nhân sẽ có tiêu chuẩn riêng về mùi, nhưng nếu thực phẩm nào khiến tôi băn khoăn về việc có mùi hay không, chắc chắn tôi sẽ không mang tới văn phòng.
Lý tưởng nhất là những công ty có không gian nghỉ trưa nói chung và không gian ăn trưa nói riêng cho nhân viên, đảm bảo nhân viên có nơi nghỉ ngơi trong thời gian ngắn và không làm phiền tới người khác. Đây cũng là không gian có thể dùng cho các sự kiện liên hoan buổi chiều, để tủ lạnh, lò vi sóng hay máy pha cà phê. Các không gian với công năng khác nhau sẽ giúp văn phòng trông chuyên nghiệp hơn, cũng như tăng tính thuận tiện trong sinh hoạt cho nhân viên.
Tất nhiên là việc bố trí không gian văn phòng liên quan đến chi phí và đây là bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Nhưng nếu công ty có điều kiện thì đây nên là một ưu tiên, vì việc cải thiện không gian làm việc theo nhiều cách khác nhau sẽ giúp tăng năng suất lao động, sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, cũng như giảm tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2019 tại Anh bởi công ty Dell, 73% nhân viên văn phòng cân nhắc nghỉ việc nếu không gian văn phòng không tạo cảm hứng làm việc. Theo Savills, nếu thiết kế không gian văn phòng phù hợp với hình mẫu văn phòng lý tưởng của nhân viên, 65% người được khảo sát cho rằng năng suất lao động của họ sẽ tăng lên.
Thay đổi từ những điều nhỏ nhất mới có thể dẫn đến những thay đổi lớn, điều này đúng với cả phía nhân viên và phía công ty. Khi một nhân viên để ý tới thói quen ăn trưa của bản thân, họ cũng trở nên nhạy bén, tinh tế và hiểu văn hóa nơi làm việc. Khi một công ty để ý tới nhu cầu của nhân viên, đó là một công ty với tinh thần đổi mới và có tầm nhìn xa.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!