Liệu VFF có chọn sai Huấn luyện viên trưởng?
Đội tuyển bóng đá Việt Nam (VN) để thua Trung Quốc 0-2 trong trận giao hữu hôm 10/10 tại sân khách, và ba ngày sau thua Uzbekistan với tỷ số tương tự. Trên công luận xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích huấn luyện viên (HLV) Troussier. Có chuyên gia còn cho rằng lối chơi "kiểm soát bóng" mà ông Troussier đang thử nghiệm với đội tuyển là không phù hợp. Thậm chí một số cổ động viên tỏ ra mất niềm tin vào đội tuyển.
Tình hình liệu có đáng lo như vậy không?
Khi VFF và "thuyền trưởng mới" cùng gạt sang bên kết quả nhất thời
Đấy mới là trận thua thứ hai của HLV Troussier trong vai trò "thuyền trưởng" của đội tuyển Việt Nam sau 3 trận giao hữu toàn thắng trước đó (Hong Kong, Syria và Palestine). Người ta có vẻ không bận tâm tới việc Trung Quốc đang xếp trên Việt Nam tới 15 bậc (80 so với 95) ở bảng xếp hạng của FIFA; họ lại có lợi thế sân nhà và đang rất quyết tâm dốc sức cho trận đấu này sau loạt trận gây thất vọng cho người hâm mộ của họ trước đó, trong khi mục tiêu của đội tuyển Việt Nam lại rất khác biệt.
Mới chỉ thua hai trận giao hữu, trong bối cảnh đội tuyển của chúng ta đang thử nghiệm nhiều thứ, ấy vậy mà đã có cả ý kiến cho rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã… chọn sai HLV trưởng.
Này nhé, trước hết Philippe Troussier là một tên tuổi lừng danh thế giới. Ông vốn thuộc nhóm HLV hiếm hoi từng dẫn dắt tới 8 đội tuyển bóng đá quốc gia. Truyền thông quốc tế ví von là "phù thủy trắng" bởi ông từng tạo nên những thay đổi tích cực khi dẫn dắt 5 đội tuyển khác nhau của châu Phi (Bờ Biển Ngà, Nigeria, Burkina Faso, Ma Rốc và Nam Phi). Tại châu Á, Troussier từng dẫn dắt các đội tuyển mạnh là Nhật Bản và Qatar. Với một HLV từng làm việc ở các môi trường khác nhau, lại đã có hơn 4 năm làm việc ở Việt Nam (trong vai trò giám đốc kỹ thuật Trung tâm bóng đá PVF và HLV đội U.19 quốc gia) thì không có gì phải nghi ngờ khả năng thích nghi với môi trường bóng đá, sự am hiểu về bóng đá Việt Nam cũng như mối tương quan giữa bóng đá Việt Nam với châu lục và thế giới.
VFF hoàn toàn có lý khi chọn một HLV danh tiếng và giàu kinh nghiệm như ông cho vị trí HLV trưởng để thay thế người tiền nhiệm Park Hang-seo.
Có thể nói ông Troussier đã dũng cảm đón nhận thử thách khi ngồi vào chiếc "ghế nóng" ở đội tuyển Việt Nam. Ông hiểu rõ việc sẽ bị so sánh với Park Hang-seo, người đã cùng bóng đá Việt Nam gặt hái rất nhiều thành công trong vòng 5 năm trước đó (bao gồm cả ngôi Á quân U.23 châu Á, vô địch AFF Cup 2018, vào tốp 8 châu Á và vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 - tất cả đều là những chiến công, thành tích tột bậc trong lịch sử bóng đá nước nhà). "Thầy Park" đã chọn dừng lại ở đỉnh cao nhất có thể, để lại áp lực to lớn cho bất cứ ai kế nhiệm mình.
Thêm nữa, thời điểm nhậm chức của Troussier ngay trong bối cảnh người hâm mộ nước nhà đang nhen lên "giấc mơ World Cup", bởi World Cup 2026 tới (tại Mỹ, Canada và Mexico) cũng chính là lần đầu tiên số lượng đội tham dự được nâng lên con số 48, trong đó có 8,5 suất dành cho khu vực châu Á. Vấn đề ở chỗ, cơ hội được góp mặt ở World Cup lớn hơn đâu phải cho mỗi đội tuyển Việt Nam mà cả nhiều đối thủ sừng sỏ khác thuộc "tuyến 2" của châu lục (sau "big 5" gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Úc). HLV Troussier công khai quan điểm trên báo chí rằng: "Giấc mơ" ấy của bóng đá VN vẫn có cơ may thành hiện thực, nhưng ông cần được hỗ trợ tối đa để thực hiện một sự thay đổi lớn lao ở đội tuyển.
Vì sao cần thay đổi? Sự thật là, ngay trong lúc đỉnh cao nhất của "thời Park Hang-seo", với lối chơi thiên về phòng ngự - phản công, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ có được vỏn vẹn một trận thắng và một trận hòa trong 10 trận đấu tại vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 mà thôi; sau đó lại để thua Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2022 (diễn ra hồi đầu năm nay).
Về thực lực, 5 trong số 8,5 vé dự World Cup 2026 khó vượt khỏi tay những "cường quốc bóng đá" của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran và Úc (5 đội đứng đầu châu Á trong bảng xếp hạng FIFA và đều nhiều lần dự World Cup trước đó). Đội tuyển Việt Nam chỉ có cơ hội cạnh tranh 3 suất rưỡi còn lại với Qatar, Iraq, UAE, Oman, Uzbekistan, Trung Quốc và Thái Lan. Ngoại trừ Thái Lan, các đối thủ vừa kể đều đứng trên Việt Nam ở bảng xếp hạng FIFA hiện tại.
Bởi vậy, có thể khẳng định, ông Troussier đã được lãnh đạo VFF - những người cũng đồng quan điểm với ông và nhận rõ thử thách cực lớn ấy - "bật đèn xanh" bằng việc chấp nhận những trận thua như vậy để tạo nên sự thay đổi… Liên đoàn đã ủng hộ, còn giới chuyên môn và người hâm mộ nước nhà thì sao?
Cần thêm thời gian và sự kiên nhẫn
HLV Troussier và đội tuyển bóng đá Việt Nam mới trong những bước đầu tiên của quá trình thay đổi ấy mà thôi. Ông mong muốn có thể "nâng cấp" đội tuyển thành một phiên bản mới thông qua những đổi thay cả về lối chơi lẫn tìm kiếm thêm những gương mặt mới. Trong thời gian qua, ông dành nhiều thời gian chủ yếu để cầu thủ làm quen với triết lý mới, đồng thời quan sát và sàng lọc các gương mặt tuyển thủ từ số đông, bao gồm cả từ tuyến U.20 và U.23 thay vì chỉ khoảng 30 tuyển thủ thuộc "đội một" đã định hình dưới "triều đại" của người tiền nhiệm Park Hang-seo.
Dễ thấy trong thành phần đá với Trung Quốc có khá nhiều thay đổi. Trong 28 cầu thủ được chọn tham dự 3 trận đấu thuộc khuôn khổ FIFA Days tháng 10 có tới 12 cầu thủ trẻ thuộc lứa U.23 (một số mới 20-21 tuổi) chính là để tạo cơ hội cho họ tích lũy thêm kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu quốc tế cho chặng đường dài của vòng loại World Cup (từ đầu năm 2024 tới tháng 11/2025).
Cụ thể trong trận thua 0-2 ấy, đội tuyển thử nghiệm cả "đôi cánh" mới - các hậu vệ Việt Hưng và Tiến Anh (thay vì những gương mặt gạo cội như Văn Thanh, Hồng Duy hay Tấn Tài). Vị trí trung vệ cũng thử nghiệm Phan Tuấn Tài thay vì những Tiến Dũng, Thành Chung, Việt Anh hay Đình Trọng.
Hàng tiền vệ vắng ngôi sao Nguyễn Quang Hải, cũng không có những cầu thủ dạn dày như Nguyễn Hải Huy, Châu Ngọc Quang hay Phan Văn Đức. Trong khi hàng tiền đạo không có mặt các ngôi sao đã thành danh như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Quyết hay các ngôi sao mới ở lứa U.23 như Nguyễn Văn Tùng hay Nhâm Mạnh Dũng. Rõ ràng, đấy mới chỉ là tuyển "Việt Nam 2" trong nguồn lực của đội tuyển Việt Nam hiện tại chuẩn bị tham gia vòng loại World Cup 2026 mà thôi.
Hai bàn thua trong trận đấu ấy đều đến từ các sai lầm cá nhân, khi thể lực của các cầu thủ đã suy giảm: Không kèm người dẫn tới bàn thua đầu và chuyền bóng ngang hớ hênh dẫn tới bàn thua thứ 2 (trong thế chỉ còn 10 người vì Tiến Linh bị đuổi ra trước đó). Cũng ở trận này, các tiền đạo không tận dụng được một số cơ hội ghi bàn. Việc chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công cũng chưa tốt. Những sai lầm ấy đều là những "bài học" quý mà thầy trò HLV Troussier có thể rút kinh nghiệm ngay sau từng trận đấu.
Có chuyên gia nhận xét chơi kiểm soát bóng "kiểu Barcelona" hay tuyển Tây Ban Nha là rất khó áp dụng ở đội tuyển Việt Nam, bởi nền tảng tại câu lạc bộ của chúng ta (không chỉ về chất lượng kỹ thuật mà cả về thể lực và tốc độ) kém xa so với họ. Nhưng đây cũng có thể là cách thức phù hợp để nâng cao chất lượng đội tuyển trong tương lai theo tiêu chí "không cho đối thủ được chơi bóng theo cách họ mong muốn".
Và cũng xin được nhấn mạnh rằng những thay đổi ở đội tuyển đều đang ở giai đoạn ban đầu, mang tính thử nghiệm. Một khi độ chính xác trong phối hợp tốt hơn, đội hình bố trí cao hơn, chất lượng chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công tốt hơn, các cầu thủ mạnh dạn hơn trong thực hiện các tình huống đột phá và dứt điểm (như pha đi bóng của Tuấn Hải) thì cơ hội để tạo nên một đội tuyển Việt Nam có chất lượng cao hơn là hiện thực.
Đội tuyển VN đang trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, vì vậy, không nên lấy một trận giao hữu mang tính thử nghiệm cả đội hình lẫn đấu pháp để kết luận xu hướng, đánh giá khả năng của HLV hay cả đội tuyển. Tôi cho rằng chớ vội phán xét và đánh giá!
Tình hình của chúng ta xem ra cũng tương đồng với cách Thái Lan - nhà vô địch Đông Nam Á - lựa chọn trong trận giao hữu và để thua đậm tới 0-8 trước Georgia mới đây (cũng với "đội hình 2").
Rất cần thêm thời gian cũng như sự kiên nhẫn đối với "phù thủy trắng" Troussier!
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!