Thấy gì từ màn ra mắt của tuyển nữ Việt Nam ở World Cup
Trong trận đấu với Bồ Đào Nha chiều 27/7, hẳn nhiều người đã kỳ vọng vào một chiến thắng hay một trận hòa, hoặc chí ít là nếu có thua thì cũng sẽ có một bàn thắng đầu tiên của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại đấu trường World Cup. Điều đó đã không xảy ra. Nhưng xét cho cùng thì cũng không có gì đáng để phải thất vọng…
Tự tin ra "biển lớn"
Vâng, tuy mới lần đầu góp mặt tại World Cup thôi, nhưng có thể khẳng định các học trò của HLV Mai Đức Chung đã không hề tỏ ra sợ hãi khi đối đầu với các đội bóng sừng sỏ của thế giới. Gặp Mỹ - nhà vô địch của 4 trong 8 kỳ World Cup đã qua, cũng là đương kim vô địch thế giới, chúng ta đã có thế trận phòng ngự rất tập trung. Hàng hậu vệ bố trí thấp và giữ khoảng cách tốt, được hỗ trợ tốt từ các tiền vệ, thậm chí ngay cả tiền đạo Huỳnh Như cũng đóng vai trò phòng thủ từ xa và thường xuyên lùi về.
Trong bối cảnh ấy, dù bị áp đảo về tỷ lệ kiểm soát bóng, số lần tấn công, dứt điểm hay đá phạt góc, nhưng toàn đội Việt Nam vẫn vững vàng là một khối, "trong biến không loạn", để rồi tỷ số thua 0-3 đã gây bất ngờ cho ngay cả những nhà chuyên môn lạc quan nhất (dự đoán thua ít nhất 5 bàn).
Trong trận thứ 2 gặp Bồ Đào Nha chiều 27/7, tuyển Việt Nam đã nhập cuộc bằng một tâm thế khác hẳn. Đối thủ xếp trên chúng ta 11 bậc (hạng 21 so với 32), cũng mới chỉ lần đầu dự World Cup. Thời điểm trận đấu lại sau khi Philippines - một đại diện khác cũng của Đông Nam Á - đã có chiến thắng lịch sử trước chủ nhà New Zealand. Tất cả tạo nên trạng thái hưng phấn cho các nữ tuyển thủ Việt Nam. Họ rất tự tin có thể làm nên chuyện.
Và thú thật, chính người viết cũng không khỏi vui sướng khi nhìn thấy tuyển Việt Nam xung trận với những đường bóng tấn công nhanh ở 2 cánh, ngay sau tiếng còi khai cuộc. Nhưng Bồ Đào Nha mau chóng chứng tỏ sự vượt trội của mình. Các tuyển thủ của họ không chỉ hơn hẳn về chiều cao, tốc độ, khả năng tranh chấp tay đôi, mà cả trình độ trong các tình huống hỗ trợ, bọc lót và phát triển bóng. Sau khi khá dễ dàng bẻ gãy các đợt tấn công của Việt Nam, Bồ Đào Nha bắt đầu "phản đòn".
Và các pha tấn công của họ được thực hiện với tốc độ chiến thuật rất nhanh, rất nhịp nhàng, gọn gàng và thanh thoát. Hàng tiền vệ của họ tỏ ra vượt trội. Không những thế, đội bạn còn tận dụng triệt để khoảng trống sau lưng 2 hậu vệ cánh của chúng ta để khai thác trong những lần lên bóng. Hai bàn thua trong hiệp một cùng xảy ra sau những đòn tấn công chớp nhoáng mà các hậu vệ Việt Nam không thể theo kịp. Thậm chí, nếu không có khả năng cản phá bằng chân của thủ thành Kim Thanh thì khoảng cách tỷ số đã không chỉ có vậy.
Hiệp hai tiếp tục là màn trình diễn tấn công của Bồ Đào Nha. Kỹ năng chơi bóng của họ quá giỏi, khả năng phối hợp quá nhanh và chính xác. Nhưng đây cũng là hiệp đầu mà đội tuyển Việt Nam đã tổ chức phòng ngự tập trung hơn, đội hình bố trí thấp hơn qua đó gia tăng khả năng cản phá, phong tỏa những tình huống phối hợp gần khu vực phạt bóng bên phần sân nhà (gần tương tự với trận gặp Mỹ trước đó).
Dù vậy, với chất lượng đội hình vượt trội, Bồ Đào Nha vẫn tạo ra thêm không ít cơ hội trong hiệp đấu này, nhưng không thể ghi thêm bàn nào. Công bằng và khách quan mà nói, nếu không có sự may mắn, sự xuất sắc của thủ môn Kim Thanh và sự tương đối cẩu thả trong dứt điểm của đội bạn thì các chân sút của Bồ Đào Nha đã có thêm ít nhất 2-3 bàn nữa thay vì chỉ 2 bàn ngay trong hiệp một mà thôi.
Trong trận đấu này, cũng có một số lần người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến các tuyển thủ nữ của chúng ta thực hiện các pha phản công khá hay với bộ 3 Huỳnh Như - Bích Thùy - Thanh Nhã ở phía trên. Chỉ có điều chất lượng của hàng thủ Bồ Đào Nha rất tốt, nên đội tuyển Việt Nam cũng không thể tạo nên cơ hội rõ rệt…
Những cái "được" sau màn ra mắt lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam
Tuy đã bị loại sớm sau 2 trận thua liên tiếp, nhưng với các nữ tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam, World Cup là một trải nghiệm quá tuyệt vời để tích lũy thêm kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu đỉnh cao trước khi trở lại với những mục tiêu vừa sức hơn tại Asiad 19 sắp tới, hay đấu trường khu vực. Mở rộng hơn, đây cũng sẽ là một "cú hích" để bóng đá nữ nước nhà có thêm nhiều sự ủng hộ từ các nguồn lực xã hội, trong hiện tại và cả cho tương lai. Bên cạnh đó, niềm vinh dự đươc chơi bóng tại đấu trường thế giới cũng sẽ được lan tỏa tới các thế hệ cầu thủ đàn em của họ.
Nhưng cái "được" không chỉ ở chuyên môn. Với tôi, cảm xúc được lắng nghe những giai điệu quen thuộc của bản "Tiến quân ca" cất lên tại đấu trường FIFA World Cup thật sự rất đặc biệt. Cảm giác tự hào dâng lên nghèn nghẹn đầy trong lồng ngực. "Giấc mơ World Cup" ngày nào có thật rồi đấy, sau biết bao gian nan vất vả, họ đã thật sự góp mặt tại "biển lớn" của bóng đá thế giới.
Cùng với sự tự hào của các tuyển thủ là niềm vui và nguồn cảm hứng của các cổ động viên Việt Nam có mặt tại New Zealand để cổ vũ cho đội tuyển nước nhà. Đẹp lắm, thân thương lắm những gương mặt rạng ngời, những tấm áo in hình cờ đỏ sao vàng tại sân vận động hay các khu vực "fan fest" dành cho cổ động viên do FIFA và nước chủ nhà tổ chức. Trên một chừng mực nào đó, đấy cũng là một sự quảng bá, giới thiệu Việt Nam tại đấu trường bóng đá thế giới!
Hình ảnh những chiếc cờ đỏ sao vàng - quốc kỳ của chúng ta trên các sân vận động tại World Cup, không chỉ trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người trên sân mà hàng triệu người hâm mộ bóng đá khắp thế giới cũng thế. Và bạn hãy để ý tới cả "rừng" ống kính camera, máy ảnh hướng về đội tuyển của chúng ta trước và trong trận đấu. Hình ảnh của họ cùng với 2 tiếng Việt Nam đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Giá trị quảng bá hình ảnh của đất nước thông qua đội tuyển quốc gia tham dự World Cup rõ ràng là không thể đong đếm được.
Xin chúc các tuyển thủ Việt Nam thi đấu tốt trong trận cuối cùng bảng E, gặp tuyển Hà Lan (đương kim á quân thế giới) vào chiều 1/8 tới!
Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!